Xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vững mạnh toàn diện.
  (Theo Thời Báo VHNT, 26-05-2023) - Sáng 26/5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển”.

    Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, tại cuộc tọa đàm này, Hội đồng mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các nhà lãnh đạo, quản lý về thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay; thấy rõ những ưu điểm, kết quả; những hạn chế, yếu kém, bất cập; và điều quan trọng hơn là đề xuất các định hướng và giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta vững mạnh toàn diện trong thời gian tới.

    PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, những ý kiến và nhận định đúng đắn, khách quan, trách nhiệm về vấn đề quan trọng này có giá trị và ý nghĩa sâu sắc trong việc cung cấp luận cứ khoa học tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, từ đó, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trong những năm tới.

    “Thực tiễn phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 15 năm qua là minh chứng đúng đắn và sinh động về tác động tích cực, to lớn, nhiều mặt của Nghị quyết 23-NQ/TW đối với văn học, nghệ thuật nói chung, của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng. Tại cuộc tọa đàm này, chúng ta cần bám thật sát nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 23-NQ/TW, nhất là phần mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở một số cơ quan ở Trung ương; các trường đại học, các học viện, các trường cao đẳng, các hội văn học, nghệ thuật ở trung ương và địa phương trong cả nước”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

    Điều chỉnh sự phân bố đội ngũ lý luận, phê bình ở các loại hình văn học, nghệ thuật theo hướng hợp lý

    Trong suốt buổi tọa đàm, các đại biểu đã bàn về các chủ đề, nội dung liên quan mật thiết đến vấn đề xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay.

    PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban tư tưởng - Văn hóa Trung ương thẳng thắn chỉ ra sự bất cập là lực lượng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phân bố không đồng đều giữa các loại hình nghệ thuật. Ngoài lĩnh vực văn học còn tập trung được một lực lượng tương đối đồng đều thì các lĩnh vực nghệ thuật khác chỉ còn vài ba người viết phê bình, cá biệt có những loại hình chỉ còn 1-2 người viết.

    Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ kế cận rất đáng báo động. Trong khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình (lui về nghiên cứu) thì các cây bút trẻ không đủ lực lượng, bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống do thế hệ trước để lại. Ngoài văn học còn nổi lên một số tác giả phê bình trẻ thì hầu như các loại hình nghệ thuật khác đều vắng bóng.

    PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng, nguyên nhân cơ bản sâu xa của những yếu kém trong hoạt động phê bình bắt nguồn từ sự yếu kém lạc hậu của hoạt động nghiên cứu lý luận văn học, nghệ thuật. Công tác đào tạo đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn nghệ chuyên nghiệp bị buông lỏng một thời gian dài. Các báo chí văn nghệ đang thiếu các nhà phê bình chuyên nghiệp, nếu có thì rụt rè, lảng tránh hoạt động phê bình…

    PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh tới việc cần có những giải pháp thực chất khắc phục tình trạng lực lượng phê bình trẻ, kế cận còn thưa thớt; có kế hoạch điều chỉnh sự phân bố đội ngũ lý luận, phê bình ở các loại hình văn học, nghệ thuật thiếu hợp lý…

    Từ thực tiễn lý luận phê bình âm nhạc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thừa nhận số lượng hội viên nghiên cứu âm nhạc chỉ khoảng 100 trên hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Còn trên lĩnh vực phê bình trên báo chí - truyền thông thì hiện tượng khen chê tùy tiện, PR, quảng bá trá hình thay vì tìm kiếm vẻ đẹp làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong công chúng. Nhiều người có chuyên môn còn ngại xuất hiện, cho ý kiến đánh giá về các hiện tượng âm nhạc.

    PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục xây dựng một đội ngũ phê bình âm nhạc đích thực, đó là những nhà lý luận phê bình âm nhạc có chuyên môn cao về nghề và tư duy - kỹ năng cần thiết của một nhà báo.

    “Một tác phẩm muốn đến với công chúng, cần có 3 yếu tố: tác giả - nghệ sĩ - công chúng. Sự có mặt của nhà phê bình trong quá trình giới thiệu, dẫn giải, quảng bá tác phẩm thì công chúng sẽ thưởng thức tốt hơn, chính xác hơn và hào hứng hơn. Phê bình phải sống trong đời sống báo chí. Đây chính là nguyện vọng và nỗi băn khoăn của các nhà lý luận - phê bình chuyên nghiệp và không chuyên”, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

    Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong tương lai, phê bình âm nhạc còn cần quan tâm tới thế giới âm nhạc tuổi thơ và chú ý tới đội ngũ bình luận viên âm nhạc trên sóng phát thanh và truyền hình. Đây là những diễn đàn quan trọng và nhạy cảm cần có tiếng nói tâm huyết và trí tuệ của các nhà phê bình âm nhạc, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà báo cả nước vì một nền âm nhạc dân tộc phát triển hài hòa - phong phú, hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.

    Đào tạo đội ngũ phê bình có lý luận vững chắc, kỹ năng linh hoạt, sáng tạo

    Một trong số những giải pháp quan trọng để phát huy tiềm năng đội ngũ lý luận phê bình hiện nay cũng được PGS.TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nêu lên, đó là cần phải từ bỏ cơ chế bao cấp tư tưởng, tạo được bầu không khí tự do, dân chủ, tôn trọng sự đa dạng trong phương pháp và phong cách sáng tạo nghệ thuật của nhà văn cũng như của các nhà phê bình. Đồng thời cần đào tạo đội ngũ phê bình có lý luận vững chắc và có kỹ năng phê bình linh hoạt, sáng tạo.

    “Đội ngũ lí luận phê bình văn học của nước ta hiện nay khá đông đảo, được đào tạo bài bản, có học vấn cao, được tiếp nhận nhiều phương pháp nghiên cứu đa dạng. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo còn thiên về lý thuyết, kỹ năng thực hành chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Cần phải có quá trình đào tạo kỹ năng nghiệp vụ viết phê bình, từ phương pháp luận phê bình đến các thao tác nghiên cứu và kỹ năng tổ chức các bài tiểu luận phê bình một cách cụ thể”, PGS.TS Trần Khánh Thành nhấn mạnh.

    Tại tọa đàm, nhiều đại biểu tham dự cũng đưa ra những ý kiến phong phú, đa dạng, sát thực tiễn để xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật một cách toàn diện, khoa học cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu loại hình, có tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm.

    Đặc biệt tập trung nêu các giải pháp liên quan đến chế độ, chính sách, hành lang pháp lý cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; cải tiến chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng chuyên môn…

                                                                                           Phạm Hằng

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 100
  • Trong tuần: 2 163
  • Tất cả: 1686218