Chuyện "phải làm" và con đường "phải đi".
   (Theo NDO, 26/05/2023) - Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt không còn là chuyện để "bàn" nữa, mà đã là chuyện "phải làm". Cần phải được coi là một "cuộc cách mạng", cần quyết tâm và hành động quyết liệt để thành công.

    Không phải chúng ta chưa làm, mà chúng ta đang làm một cách ì ạch và dàn trải!

    Xuất thô là chủ yếu

    Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 52 tỷ USD; trong đó có tám sản phẩm, nhóm sản phẩm có kim ngạch đạt hơn hai tỷ USD. Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nông sản đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, song đến nay, thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế nhìn chung còn mờ nhạt.

    Đơn cử như đối với mặt hàng cà-phê. Việt Nam là cường quốc xuất khẩu cà-phê, nhưng chủ yếu xuất thô ở dạng nguyên liệu nên nhận diện thương hiệu không có. Điều đáng nói, doanh nghiệp nước ngoài khi nhập khẩu cà-phê Việt Nam về chế biến, đóng thương hiệu của họ bán ra thị trường có giá trị rất cao. Hay như đối với mặt hàng chè. Việt Nam đứng thứ năm trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ bảy về sản xuất chè. Sản phẩm chè của Việt Nam xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhưng khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Xuất khẩu chè dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế. Khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn ở dạng thô. Trà ô long hái tay chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ dao động 10-12 USD/kg. Sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần…

    Riêng đối với sầu riêng. Dù là mặt hàng đã được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, song, do chưa có thương hiệu nên sầu riêng Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ sầu riêng Thái Lan, Malaysia.

    Dẫn ra một vài thí dụ để thấy, ngay cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam cũng chưa thật sự được chú trọng xây dựng thương hiệu, dẫn đến nhiều thua thiệt trên thị trường. Trong khi đó, dù có nhiều sản phẩm tương đồng với Việt Nam, nhưng Thái Lan lại xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng, tạo được sức hút trên thị trường quốc tế.

    Cùng một tấm lụa, cùng may nên chiếc áo, nhưng thương hiệu mạnh có giá bán gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần một thương hiệu chưa mấy ai biết tới. Cùng một cân thóc trên cùng một cánh đồng, người biết kể câu chuyện dẫn dắt người mua có thể bán giá gấp đôi, gấp ba người không biết kể… Có thể khẳng định rằng, trong chuỗi giá trị hàng hóa thì giá trị thương hiệu là giá trị gia tăng cao nhất. Bởi thế, thương hiệu nông sản Việt là khát vọng, mong muốn, và cũng là nỗi buồn của những người làm nông nghiệp hiện nay, từ nông dân, doanh nghiệp, cho đến cơ quan quản lý.

    Ba yêu cầu cốt lõi

    Vậy tại sao thương hiệu nông sản Việt lại mờ nhạt? Có thể chỉ ra những nguyên nhân hàng đầu như: Doanh nghiệp và nông dân còn tư duy làm ăn chộp giật khi chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không tính lâu dài. Hầu hết nông sản được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng. Công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản chưa nhiều dẫn đến chất lượng chưa đồng nhất, thiếu ổn định. Lâu nay, các chính sách liên quan quản lý thị trường, quản lý lưu thông, quản lý phân phối hàng hóa nông sản còn rất nương nhẹ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Phía cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm cũng chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản.

    Liệu nông sản Việt Nam có xây dựng được những thương hiệu nổi tiếng như bò Kobe của Nhật Bản, kiwi New Zealand, nhân sâm Hàn Quốc… hay không? Có. Nhưng muốn làm được cần một chiến lược dài hạn và có tầm nhìn xa. Chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản không đơn giản như quảng bá một nhãn hàng. Không phải đổ tiền vào thiết kế bao bì cho đẹp, tổ chức thật nhiều triển lãm, hội trợ, chi phí thật nhiều cho hội thảo, truyền thông là thành công. Tất cả những thứ đó là cần, nhưng chưa đủ. Tập trung vào ngành hàng, sản phẩm nào? Phát triển ở vùng nào? Bán cho ai? Sẽ có những đối thủ cạnh tranh nào? Rủi ro?... Phải xác định được lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc trưng. Phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng và phải luôn nâng tầm tiêu chuẩn chất lượng hơn nữa để chinh phục thị trường. Làm thương hiệu không chỉ sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu.

    Những nông sản xuất khẩu có thương hiệu riêng sẽ gia tăng giá trị 200-300%, thậm chí có nông sản giá trị tăng đến 500%. Tuy nhiên, thương hiệu không thể xây dựng được trong một sớm một chiều, mà cần có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, người dân. Trong đó, việc nâng cao trình độ nhân lực, quy hoạch đồng bộ và chuyển đổi số toàn diện là ba việc cốt lõi, dài hơi cần sự đầu tư của Nhà nước. Cần thiết lập, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản; giám sát, quản lý chặt vùng nuôi-trồng; chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kho bãi, các trung tâm dịch vụ hậu cần tại các vùng sản xuất hàng hóa lớn để giảm tỷ lệ hư hao nông sản, giảm chi phí sản xuất…

    Xây dựng thương hiệu là một quá trình liên tục và không có điểm kết thúc. Khi bạn xây dựng thương hiệu chính là việc xây dựng sự phát triển bền vững và dài hạn. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt càng trở nên cấp bách. Chậm ngày nào, chúng ta thiệt thòi, hay nói đúng hơn là thiệt hại ngày đó.

    Với dân số hơn 100 triệu dân, mức chi tiêu ngày càng tăng, Việt Nam đang là thị trường mà nhiều quốc gia muốn đưa nông sản tới. Không chỉ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu, mà nông sản Việt cũng sẽ đối mặt sức cạnh tranh ngày càng lớn ngay tại thị trường trong nước./.

                                                              NGUYỄN THỊ THÀNH THỰC

                                                            (Chuyên gia kinh tế nông nghiệp)

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 345
  • Tất cả: 1686796