Đoàn kết, nguồn sức mạnh vô biên của Đảng.
(Theo NDCT 17/01/2020) - 90 mùa xuân có Đảng, đất nước ta mới có được cơ đồ, vị thế như ngày nay. Nhưng không phải cứ nắng ấm xuân về là có hoa thơm, trái ngọt, mà đó là công sức “dời non, lấp biển” của cộng đồng 54 dân tộc anh em đã một lòng với Đảng, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ và giờ đây có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.

Để có những kỳ tích lịch sử ấy là do Đảng đã đoàn kết chặt chẽ, lãnh đạo toàn dân tạo nên nguồn sức mạnh vô biên, vững bước trên con đường đã chọn.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện Đảng ta. Nhìn lại 90 mùa xuân qua, càng thấm thía biết bao những lời căn dặn của Người về xây dựng Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết thì thành công, không đoàn kết sẽ thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm rất chắc chân lý ấy. Năm 1929, ở nước ta, phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất của một đảng cách mạng, nhưng khi đó lại hình thành ba tổ chức cộng sản, nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ. Vì thế, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tầm vóc như một Đại hội Đảng, sớm khắc phục nguy cơ phân tán, chia rẽ, để thống nhất tổ chức, tư tưởng, ý chí và hành động, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thực hiện thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiến hành thành công công cuộc đổi mới đất nước.

Đoàn kết không chỉ là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng, của nhân dân ta mà còn là đòi hỏi tất yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước mỗi giai đoạn, nhiệm vụ mới, việc đoàn kết thống nhất trong Đảng đặt ra những yêu cầu cao hơn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để làm tròn nhiệm vụ, toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí; “Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng.

Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.14, tr.186). Đó là tính ưu việt và cũng là nguyên tắc hoạt động của Đảng ta, nhằm ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, yếu kém, củng cố sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, ý chí và hành động. Muốn đoàn kết phải đấu tranh, đấu tranh để tăng cường sự đoàn kết thống nhất. Đấu tranh, tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Năm 1939, nhằm chấn chỉnh việc xuất hiện một số luồng tư tưởng cả hữu khuynh và tả khuynh trong Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm Tự chỉ trích và chỉ rõ, phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển; là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng...

Với giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, Tự chỉ trích đã góp phần tích cực ngăn chặn các khuynh hướng xa rời tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, củng cố niềm tin và sự thống nhất tư tưởng trong Đảng lúc bấy giờ. Sau khi đất nước giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo vấn đề đạo đức, lối sống; nếu không chấn chỉnh sẽ có nguy cơ làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước mới ra đời.

Tháng 10-1947, Người viết Sửa đổi lối làm việc, đề cập toàn diện công tác cán bộ, tự phê bình và phê bình về những thói xấu mà cán bộ, đảng viên dễ mắc phải. Người cho rằng việc kéo bè kéo cánh là một bệnh rất nguy hiểm, tác hại cho Đảng. “Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí”. (SĐD, T.5, tr.257). Đến năm 1958, trong bài Đạo đức cách mạng, Người nhấn mạnh, “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng” (SĐD, T.9, tr.288). Tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng vừa làm cho Đảng mạnh lên, vừa là cơ sở phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị và luôn mang tính thời sự trong mọi điều kiện của
đất nước.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thật sự là một quá trình cải biến sâu sắc, triệt để, toàn diện, mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn. Đây là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm. “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”; không ít cán bộ “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”, như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra thật đáng lo ngại.

Những năm gần đây, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện quyết liệt hơn, không còn “vùng cấm”, không còn chuyện “hạ cánh an toàn”. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, gần 80 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị, 19 Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, một nguyên Phó Thủ tướng, năm Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, bảy Bí thư và nguyên Bí thư Tỉnh ủy, năm chủ tịch và nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, 22 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Đồng thời với quá trình xử lý vụ việc cụ thể, Đảng ban hành và chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp, khuyến khích, tạo động lực mới cho những người có tài năng, đạo đức làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Vì thế, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố bền vững hơn. Tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giám sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đồng bộ, hiệu quả hơn.

Đoàn kết là nguồn sức mạnh vô biên của Đảng. Hơn bao giờ hết, chúng ta tạc dạ ghi lòng lời căn dặn của Bác Hồ “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”./.
Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 3 263
  • Tất cả: 1685674