Ngày xuân…“nhặt sạn” chữ nghĩa
(Theo Tạp chí Tuyên giáo, 24/1/2020 ) - Một trong những điều hay của Tiếng Việt chính là sử dụng từ ngữ nhằm biểu đạt thái độ và “cấp độ” ứng xử văn hóa, cao hơn là nhãn quan chính trị của người viết, người nói.

(Ảnh minh họa)

   Ngày xuân, ôn cố tri tân, theo thói quen nghề nghiệp, lại nghĩ về chữ và nghĩa của cái nghề viết và nói. Tự tổng kết “thu lượm” của bản thân trong một năm, vẫn thấy có những lúc, những khi viết và nói chưa thật “tròn ngôn rõ ngữ”. Âu cũng là cái “duyên nợ” với nghề! Ngày xuân, xin “gom nhặt” lại một vài “hạt sạn” chữ nghĩa vô tình “nhặt” được trên báo chí ta, đặng coi đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân. Và cũng là để góp vui cùng quý độc giả. Vì là những ví dụ “gom nhặt” nên mang tính chất “liệt kê” là chính, những nhận định, bàn luận của người viết chưa hẳn đã là chuẩn chỉ. Rất mong được nhận sự chỉ giáo, phản hồi của bạn đọc.

      MONG MANH RANH GIỚI ĐÚNG - SAI

   1.“5 cánh sao vàng trên lá cờ đỏ là đại diện cho 5 giai cấp Sĩ - Nông - Công - Thương - Binh cùng đoàn kết”.  

    Ở trích dẫn trên, tác giả đã nhầm lẫn rất cơ bản, “Sĩ - Nông - Công - Thương - Binh” là 5 thành phần (hoặc tầng lớp) chính trong xã hội chứ không phải là 5 giai cấp. Đặc biệt, “Sĩ” (có thể hiểu là trí thức) xưa nay vẫn được gọi là “tầng lớp trí thức” chứ không phải “giai cấp trí thức”“Binh” (quân đội), từ cổ chí kim, bất cứ quốc gia nào, kể từ khi có nhà nước, thì quân đội là công cụ phục vụ cho giai cấp cầm quyền, nên thành phần này phải mang tính giai cấp cầm quyền, chứ không thể và không có “giai cấp quân đội”.

       2. “Người ta đã chi ra gần 50 triệu USD Hồng Kông…”

   Xin thưa, Hồng Kông cũng sử dụng đơn vị tiền tệ là đô la, nhưng viết tắt của đô la Hồng Kông không phải là USD mà là HKD. Có lẽ tác giả - cũng như rất nhiều người - vì “nghe nhiều quen tai” nên “mặc nhiên hiểu nhầm” chữ USD là đô la nói chung. Không nên quên rằng USD là viết tắt của cụm từ United States dollar - có nghĩa là đô la Mỹ. Vì vậy, câu trên cần phải được biên tập lại cho chuẩn là “Người ta đã chi ra gần 50 triệu đô la Hồng Kông…” (hoặc muốn viết tắt cho “hiện đại” thì phải sửa là “Ở Hồng Kông, người ta đã chi ra gần 50 triệu HKD…).`

       3. “Nếu Thúy Kiều là biểu tượng cho sự vẹn hiếu trọn tình của người phụ nữ    Việt Nam, thì Từ Hải là hiện thân của bậc chính nhân quân tử…”.

   Rõ ràng là tác giả của mấy dòng “bình văn” trên đang “tán” quá đà, hoặc là chỉ cốt viết cho câu chữ “bay bướm” mà không chịu đào sâu suy nghĩ. Xưa nay chúng ta ca ngợi Truyện Kiều chủ yếu là ca ngợi tài năng văn chương của cụ Nguyễn Du - người đã có công đưa thể loại thơ lục bát của dân tộc lên một tầm cao bác học. Nếu có “bình, bàn, tán” về phẩm giá và vẻ đẹp Thúy Kiều cũng chỉ là gắn với hoàn cảnh cụ thể của nhân vật. Hoặc khi “luận bàn” về Từ Hải thì cũng là bình về chí khí và sự “lụy tình” của một “đấng mày râu”. Chứ hình tượng Thúy Kiều và Từ Hải không phải là “mẫu số” hay biểu tượng đại diện cho phẩm giá của người Việt. Bởi, như chúng ta đã biết, Thúy Kiều, Từ Hải là nhân vật bên Tàu do ông Thanh Tâm Tài Nhân bên ấy sáng tác ra trong cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kim Truyện”. Mặc dù sau khi được Đại Thi hào Nguyễn Du “chuyển thể” và trở thành tác phẩm văn học kinh điển, “thuần Việt”, nhưng không phải vì thế mà những những nhân vật trong “Đoạn trường tân thanh” được coi là hình tượng - giá trị điển hình của người Việt Nam.

       NGÔN TỪ CẦN BIỂU ĐẠT ĐƯỢC THÁI ĐỘ, Ý THỨC CHÍNH TRỊ CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

   1. “Ông được vua cử đi sứ sang thiên triều. Nhờ sự gan dạ, thông minh và tài đối đáp, nên ông được thiên triều miễn tội và trọng đãi rất hậu…”.

    “Thiên triều” là lối tự xưng khoa trương xem mình là “trung tâm vũ trụ” của các vương triều Trung Hoa xưa. Và đó cũng là cách tự xưng thể hiện thái độ, ý đồ coi thường, uy hiếp, muốn thôn tính nước ta. Xem lại trong sử sách thì thấy cha ông ta không gọi các triều đại phương Bắc là thiên triều (mà nếu các nhà viết sử hiện đại có nhắc đến hai từ này thì cũng để trong ngoặc kép: “thiên triều”). Điều đó thể hiện tinh thần và ý thức tự tôn quốc gia - dân tộc. Vì thế, e rằng cách viết nêu trên của nhà báo là thiếu cẩn trọng về mặt ý thức, nhận thức. Tại sao lại không thể viết rõ tên triều đại đang trị vì bên Trung Quốc ở thời điểm“ông được vua cử đi sứ” (hoặc cũng có thể viết là “ông được vua cử đi sứ sang nước Tàu” như nhiều sách kể chuyện lịch sử vẫn viết)(?!) Ấy là chưa kể cái cách dùng từ “miễn tội” rất chủ quan, ấu trĩ của người viết, khi kể lại - ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của một nhân vật lịch sử nước nhà.

     2. Đưa tin về trường hợp máy bay chiến đấu của Nga gặp nạn trong khi luyện tập, có tờ báo đã giật tít: “Máy bay chiến đấu của Nga rơi ùm xuống biển, hai phi công tử nạn”. Rõ ràng là cái cách dùng từ “ùm” trong dòng tít trên thể hiện thái độ rất thiếu tôn trọng, thậm chí là bỡn cợt, miệt thị của người viết trước một tai nạn nghiêm trọng, thương tâm. Hơn thế nữa, về mặt ngoại giao, việc thêm từ “ùm” bỡn cợt vào đây, dễ khiến cho người đọc cảm thấy thái độ chính trị không đúng mực của chúng ta đối với một quốc gia có mối quan hệ truyền thống, tin cậy và là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

     Cũng cùng nội dung trên, ở một tờ báo khác, sau khi đưa tên chủng loại máy bay gặp nạn còn cố tình mở ngoặc đơn “chua” thêm: “(đây là loại máy bay chiến đấu hiện đại mà Việt Nam đã đàm phán, đặt mua với Nga hồi năm…)”. Không hiểu cách đưa tin “tỏ ra khách quan” của người viết có “dụng ý câu view” đến đâu, hay chỉ là sự “lời phời” về mặt nhận thức và ý thức chính trị của phóng viên - biên tập viên, nhưng nó khiến không ít người đọc có cảm giác “gờn gợn” về điều gì đó không tích cực, theo kiểu “chỉ tang mạ hòe”(chỉ cây dâu mắng cây hòe)!

Ngoài ra, không biết tôi có quá khắt khe và nhầm lẫn khi cho rằng, nếu dòng tít trên không dùng hai từ “tử nạn” mà thay vào đó là“hy sinh”, thì có lẽ sẽ trang trọng, ý nghĩa, tình cảm và có ý thức chính trị hơn.

     3. “Cách đánh vu hồi là thủ đoạn khá hiệu quả để bộ đội ta tiêu hao, tiêu diệt sinh lực đối phương trong trận chiến đấu ấy”.

   Khi viết về quân ta, bộ đội ta thì không nên dùng là “thủ đoạn”. Và thực tế, trong nghệ thuật quân sự Việt Nam thì phương pháp -  cách đánh “vu hồi” là một chiến thuật chứ không phải thủ đoạn. Thông thường, người ta chỉ sử dụng từ “thủ đoạn” để gán cho những kẻ có tâm địa xấu, làm những việc phi nghĩa, bất chính. Trong trường hợp nêu trên thì “bộ đội ta” là bên chính nghĩa, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, chống quân “đối phương” đi xâm chiếm, xâm lược. Vì vậy, sử dụng từ “thủ đoạn” để nói về chiến thuật/mưu kế/sách lược của quân ta là thể hiện sự thiếu tôn trọng, không phân biệt rõ địch - ta, chính nghĩa - phi nghĩa.

     Một trong những điều hay của Tiếng Việt chính là sử dụng từ ngữ nhằm biểu đạt thái độ và “cấp độ” ứng xử văn hóa, cao hơn là nhãn quan chính trị của người viết, người nói. Nhưng dường như lâu nay điều này đang bị nhiều bạn trẻ “lẫn lộn”, thậm chí là nhầm lẫn đến mức “thảm họa”, nhất là trên các trang mạng xã hội. Ví dụ, khi kể về những kỷ niệm tốt đẹp, giàu tính nhân văn trong hoạt động tình nguyện mùa hè, có bạn sinh viên viết lên facebook:“Có lẽ đây là mùa hè thú vị và ý nghĩa nhất đối với tớ. Tớ và đồng bọn đã thực sự “3 cùng” với đồng bào…”; hoặc “Đoàn công tác do đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn cầm đầu…”. Ô hay, sao lại là “đồng bọn” và “cầm đầu”(!?). Từ xưa đến nay, người Việt chúng ta chỉ sử dụng từ “đồng bọn” và “cầm đầu” khi viết hoặc nói về những nhóm người xấu, những kẻ phạm tội (như “hắn và đồng bọn đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp”, “Nguyễn Văn A chính là kẻ cầm đầu nhóm trấn lột…”). Kể cả trong trường hợp viết vì mục đích vui vẻ, hài hước, thì trước những hoạt động mang tính chính trị - xã hội nghiêm túc, tốt đẹp, cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi, như trên đã nói, ngôn ngữ thể hiện thái độ và nhận thức chính trị của người viết, người nói./.

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 192
  • Trong tuần: 3 647
  • Tất cả: 1685659