Một cuốn sách “phò chính, trừ tà”.
(Theo QĐCT 13/02/2020) - “Góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa trong Đảng”-tuyển tập chuyên luận báo chí về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một cuốn sách dày 284 trang, khổ 14,5x20,5cm do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa ấn hành nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2020) của Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Hải (bút danh: Thiện Văn, Phúc Nội), Trưởng phòng biên tập Văn hóa, Thể thao (Báo Quân đội nhân dân)...

Cuốn sách in đẹp, trang trọng này gồm 40 bài viết của tác giả, phần lớn là những bài đăng trên Chuyên mục “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Báo Quân đội nhân dân. Toàn bộ các bài viết đều đăng từ tháng 7-2016 trở lại đây, cho nên đều phản ánh những vấn đề nóng bỏng tính thời sự của công tác xây dựng Đảng, được viết bởi “trái tim nóng, cái đầu lạnh” của tác giả làm tường minh trí tuệ và tâm huyết của một cây bút chuyên luận chủ lực tại Báo Quân đội nhân dân hiện nay.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng phòng biên tập Văn hóa, Thể thao (Báo Quân đội nhân dân), một cây bút uy tín trong làng báo chí quân đội và cả nước nhận định: Cuốn sách tuyển chọn những bài viết với thái độ rõ ràng của một nhà báo được đào tạo, rèn luyện trong quân ngũ và môi trường làm báo chuyên nghiệp. Các bài chính luận đã mổ xẻ những tồn tại, yếu kém, những tật bệnh nổi chìm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chỉ nhìn vào danh mục các bài viết trong cuốn sách này, người đọc đã thấy tác giả áp sát, khoan sâu vào nhiều biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ làm suy giảm vai trò lãnh đạo, tính tiên phong của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm giảm sút hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Sức nóng, sự day dứt của những vấn đề được nêu cùng cách nhìn nhận rất trách nhiệm, cách viết trực diện, có lý, có tình, có trước, có sau, thấu đáo, đặc biệt là sự tiếp cận từ văn hóa của tác giả đã giúp các bài viết trở nên sinh động, dễ đọc, dễ hiểu hơn.

Viết chuyên luận, ai cũng mong tác phẩm của mình có phong cách. Trong cuốn sách này, nhà báo Nguyễn Văn Hải dường như đã chạm được vào mong muốn ấy. Từng là cán bộ chính trị ở đơn vị, được đào tạo bài bản chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước ở Trường Sĩ quan Chính trị và Học viện Chính trị, nhưng với cách tiếp cận từ văn hóa đã giúp anh bứt thoát khỏi “văn phong nghị quyết”, nhiều bài viết đã hòa quyện “lửa báo” với “hơi văn” mà tôi tin chắc rằng, sẽ là một cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và cán bộ, đảng viên nói chung. Trước đây, tôi khá lúng túng khi nhiều bạn bè, đồng đội là cán bộ tuyên giáo, cán bộ chính trị nhờ giới thiệu cho họ một vài cuốn sách tiêu biểu để dùng làm “cẩm nang” khi tuyên truyền, giới thiệu về Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; giờ thì may quá, cuốn “Góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa trong Đảng” đích thị là một cuốn sách như thế.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là nội dung nền tảng để Đại tá Nguyễn Văn Hải khai triển những kỹ năng, kỹ xảo nghề báo của mình như một “vũ khí” trong “trận chiến giáp lá cà” với những biểu hiện tha hóa, biến chất trong đảng viên và tổ chức đảng. 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề cập đã được Nguyễn Văn Hải tham gia phân tích, giải thích, chứng minh, tranh luận... đề ra giải pháp xử lý, khắc phục với tinh thần “nhận rõ sự thật, nói đúng sự thật”. Đó là các căn bệnh, như: Bệnh “tư duy nhiệm kỳ”, bệnh “hẹp hòi, đố kỵ”, bệnh “thiếu trách nhiệm”, bệnh “duy ý chí”, bệnh “cơ hội, lươn lẹo”, “bệnh thành tích”, bệnh “háo danh”, bệnh “giả dối”, bệnh “lười học tập lý luận chính trị”...

Bìa trước và bìa sau cuốn sách “Góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa trong Đảng”.

 

Chúng ta thử đọc kỹ bài “Con ma” giả dối đục thấu, khoét vào cốt tủy con người” (trang 182) để nhận ra tính chiến đấu của cuốn sách. Bệnh “giả dối” đã từng hoành hành ở Liên Xô trong suốt giai đoạn 1960-1991. Một tài liệu chuyên khảo khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: Đến giữa những năm 70 của thế kỷ 20, Liên Xô đã có những bước phát triển mạnh mẽ khiến cả thế giới nể phục, những thế lực đối trọng rất lo lắng. Nhưng rồi bệnh “giả dối” đã góp phần hủy hoại Liên Xô hùng cường và vĩ đại. Một nguyên nhân được khẳng định là ở giai đoạn cuối của Xô viết, Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị quan liêu hóa, đường lối không còn sát thực tiễn, trở thành những văn bản “trên trời” nên mọi nỗ lực kêu gọi cải tổ đều bị người dân và chính đảng viên của Đảng thờ ơ, cho qua. Thực trạng ở nước ta, theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tình trạng “không trung thực” kéo dài cũng đã và đang khiến nhiều cán bộ, đảng viên dường như quên đi những lời cảnh báo của Lênin và thực tiễn đã xảy ra ở Liên Xô. Nhiều cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương dường như đang chấp nhận điều đó như một phần của quá trình phát triển, không hề nghĩ rằng đó là thứ “giặc nội xâm”, bệnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong bài viết của mình, Nguyễn Văn Hải đã chỉ rõ căn nguyên, biểu hiện cụ thể cũng như tác hại của bệnh “giả dối”. Bằng cách sử dụng nhiều chất liệu văn học, như so sánh “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt/ Luồn lọt lươn lẹo lại lên lương”... tác giả đã khiến người đọc thích thú khi thưởng thức một tác phẩm báo chí nói về một vấn đề rất gai góc, khô khốc trong thực tiễn.

Có thể nói, Nguyễn Văn Hải không né tránh, không xuê xoa, kiên định 5 nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng một cách bất di bất dịch, nhưng cũng không giáo điều, xơ cứng mà uyển chuyển phản ánh cuộc sống sinh động vào tác phẩm của mình. Có lẽ, đây chính là phong cách của anh, luôn cố gắng đáp ứng mong đợi của bạn đọc, dùng lòng ngay dạ thẳng đưa ngòi bút đi trên chính đạo, cố gắng tận dụng cách nói của cả người xưa lẫn giới trẻ đương đại để khái quát hiện thực.

Tuy nhiên, vấn đề của một tác phẩm chuyên luận hiện nay không chỉ là “nhìn rõ sự thật, nói đúng sự thật”. Điều mà độc giả muốn thấy ở chuyên luận là những biện pháp, giải pháp khả thi để khắc phục những “căn bệnh” của đảng viên và tổ chức đảng hiện nay. May mắn là, phần lớn các bài viết trong cuốn sách đã tìm cách thỏa mãn yêu cầu rất cao đó của độc giả. Biện pháp là dành cho từng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng; giải pháp thường dành cho những tổ chức đảng lớn. “Làm gì, làm như thế nào?” để khắc phục những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘’tự diễn biến’’, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận đảng viên và tổ chức đảng” dường như là câu hỏi thường trực mà Đại tá Nguyễn Văn Hải đặt ra trong mỗi tác phẩm của mình. Thường thì, chỉ cần đọc tiêu đề bài viết đã thấy hiển hiện những giải pháp, như: “Bóc mẽ chân tướng những quan chức “vì dân suông”; “Không để những kẻ cơ hội, lươn lẹo chui vào bộ máy công quyền”, “Chủ nghĩa hậu duệ” làm biến dạng, tha hóa quyền lực Nhà nước”; “Lãnh đạo nêu gương sáng: Xã tắc bình yên, dân nể phục”... Cụ thể hơn, đi vào từng bài viết, người đọc sẽ thấy sáng rõ những biện pháp tu dưỡng, rèn luyện đảng viên, tổ chức đảng và những biện pháp này cụ thể đến mức “cầm tay, chỉ việc” cho người đọc. Ví dụ, trong bài cuối cùng của tập sách: “Giữ gìn những giá trị cốt lõi làm nên nhân cách cán bộ, đảng viên”, tác giả chỉ ra con đường bồi đắp, làm giàu các đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” như: Cán bộ, công chức, viên chức chuyên cần tận dụng 8 giờ vàng ngọc; thực hiện quốc sách tiết kiệm, tránh hội họp triền miên, chi tiêu quá đà; không để cán bộ phải “chạy sô” đi họp ngày 3-4 cuộc; không tiếp khách theo kiểu “khách ba chủ nhà bảy”... Tất cả việc làm cụ thể đó sẽ như chiếc “dây neo” giữ cho tâm hồn, phẩm giá cán bộ, đảng viên không bị chòng chành, chao đảo trước những “cơn sóng”, “cạm bẫy” vật chất, tiền tài, danh vọng luôn có sức mê hoặc, quyến rũ ghê gớm đối với con người.

Giới thiệu một cuốn sách, nên chăng giới thiệu những bài viết thành công nhất cho bạn đọc có thêm kênh lựa chọn khi thời gian hạn hẹp? Điều này rất khó, vì 40 bài viết là 40 “đứa con tinh thần” được tác giả thai nghén, sinh đẻ, chăm bẵm, nâng niu rất cẩn thận và đều tay. Thành ra, tôi trộm nghĩ, nên giới thiệu kết cấu 3 phần của cuốn sách: Phần I: “Phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị”. Phần II: “Ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”. Phần III: “Chăm lo vun trồng đạo đức, nâng tầm văn hóa trong Đảng”. Ba phần được kết cấu hợp lý, giúp người đọc thấy được tính hệ thống, thống nhất cũng như tính chi tiết, cụ thể, trọng điểm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Trong một bức thư gửi giới trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Cuốn sách “Góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa trong Đảng” đã, đang và sẽ góp phần hiện thực hóa lời dạy chí lý, chí tình đó của Bác Hồ kính yêu./.

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 1 029
  • Tất cả: 1686496