Mùa cờ - hoa.
(Theo QĐCT, 07/02/2020) … Có biết bao cách gọi quen-lạ thường hằng-bất ngờ về mùa đầu tiên của năm. Đến tuần tự theo chu trình tạo hóa nhưng không khi nào khiến nhân loại ngừng ngợi ca, xao động.

   Bên thềm Xuân 2020, tôi vừa nghĩ ra một tên nữa cho mùa quyền năng nhất của tự nhiên, cái tên gắn với sức sống và khát vọng mà dù bức tứ bình thiên nhiên đang xáo trộn thế nào thì vẫn luân lưu niềm tin, hy vọng: Mùa cờ-hoa.

   Ai đó sẽ nói: Mùa nào chẳng có cờ-hoa, đâu riêng mùa thứ nhất. Và nữa, nào chỉ xuân, cây trái mới sinh sôi. Sức sống mãnh liệt của mọi sinh vật tự nhiên trải suốt bốn mùa. Công nghệ sinh học tạo ra sự phát triển-thu hoạch trái mùa, tiến độ vụ nhanh, thời gian ngắn, năng suất lớn. Mỗi mùa đều nở hoa, phổ biến như cúc, hồng, thì vẫn có hoa đặc trưng-biểu tượng mùa, đồng hồ hoa, chỉ đúng tháng ấy, mùa ấy, hoa mới rộ lên, vẫn khiến ta ngỡ ngàng bâng khuâng xao động một cách tự nhiên. Công nghệ cao dễ dàng gây được hoa-quả lạ nhưng chỉ khiến người ta ngạc nhiên thoáng chốc. Sự trái quy luật không dễ gây hứng thú. Trăng đến rằm thì trăng tròn, nếu thấy đào bích, đào phai nở từ... mùa đông thì có khi lại “sợ”.

   Những gì thuộc về nếp sống văn hóa, tâm thức mấy ngàn năm, qua hàng trăm thế hệ vẫn tạo dư vang âm hưởng trao truyền, kết nối, gợi mở bằng những câu ước trước tân niên, chuyển tiếp từ đời này qua đời khác, tâm nguyện và khát vọng có khác nhau, nhưng cùng chung hy vọng về tương lai và không khi nào mất đi sự tương tác tới tâm cảm nhân loại.

   Mùa nào cũng có cờ. Cờ quốc gia thường trực bay cao ở các cơ quan công quyền, nơi tiền tiêu, biên cương, hải đảo. Nào cờ hiệu (đa dạng cả đời thường và nghệ thuật), cờ tôn giáo, cờ biểu trưng bộ môn, môn phái, cờ của trẻ con chơi trong trò chơi tưởng tượng (làm bằng khăn tay, mảnh vải).

   Cờ-hoa mỗi vùng miền thường thường trổ sắc tưng bừng nhất vào những ngày lễ lớn, quốc khánh, dịp Tết đón năm mới. Trong những lần xuất hiện này, thì dịp Tết Nguyên đán, lễ tiết quan trọng nhất của văn hóa truyền thống Việt Nam, cờ được treo nhiều nhất. Các gia đình mặt ngõ, mặt phố, thậm chí là căn phòng nhỏ trên gác, đều đồng loạt cắm cờ. Cờ ở đây là cờ đỏ sao vàng-cờ quốc gia Việt Nam. Quốc kỳ là hình ảnh đại diện quốc gia. Đó là loại cờ cao quý, thiêng liêng nhất. Tết ở Việt Nam, chỉ cần rợp mắt cờ đỏ sao vàng là biết xuân sang. Mỗi cấp độ sắc màu đều có sự vật so sánh ví von cho dễ hình dung, liên tưởng. Riêng màu đỏ ở Việt Nam có một sắc gắn với màu cờ dân tộc, Tổ quốc: Màu cờ (hoặc đỏ cờ).

Minh họa: Phạm Hà

   Lá cờ cắm trên nóc xe tăng, xe tải, xe quân sự, tiến về Thủ đô ngày giải phóng 10-10-1954. Lá cờ hiên ngang bay trên căn cứ, điểm giao tranh, từng tấc đất đổi bao xương máu, đánh dấu chủ quyền, thắng lợi, mà để lên cắm được cờ, bao chiến sĩ đã ngã xuống. Trong lúc đang ở “điểm nóng” chiến sự, chiến tranh; hay ngay thời bình, nơi núi rừng, quần đảo, đại dương, thấy cờ là tín hiệu, lập trường; hình ảnh quốc gia, dấu mốc lãnh thổ, lãnh hải, khẳng định cương giới. Lá cờ của người chinh phục cực Bắc, cực Nam hay lên vũ trụ đem theo, đánh dấu người Việt Nam đã đến. Lá cờ quàng lên vai vận động viên về đích, đoạt thứ hạng cao nhất và được kéo lên, cử quốc thiều tôn vinh. Cờ Việt Nam trên má em bé, má cổ động viên các lứa tuổi, cờ khổng lồ trải kín khán đài, dậy sóng cùng tiếng hô Việt Nam và đồng thanh hát Quốc ca cổ vũ đội nhà thi đấu. Với các quốc gia đều như thế, cờ Tổ quốc là niềm tự hào, mục tiêu lớn của những ai “đem chuông đi đấm nước người”, muốn khẳng định tài năng, sức mạnh, dốc sức lực, tâm trí vì “màu cờ sắc áo” nước nhà. Các thế hệ người con mang dòng máu Việt luôn ý thức giữ/nhập lại quốc tịch Việt Nam để là vận động viên thi đấu phục vụ cho Tổ quốc. Cờ-hoa cho quán quân trong các cuộc thi, cho cả người chiến thắng ngưỡng hạn nỗi sợ, những khó nhọc của chính mình. Chào cờ, nghi lễ bắt buộc trước mọi sự kiện các cấp độ. Và nơi Quảng trường Ba Đình lịch sử, mỗi bình minh đều trang nghiêm Lễ Thượng cờ.

Tôi và nhiều nghệ sĩ đã may mắn khi được chứng kiến Lễ Thượng cờ uy nghiêm trên đỉnh Fansipan (Lào Cai)-nóc nhà Đông Dương.

   Cờ hiện diện, ngày thường lẫn ngày trọng đại, sự kiện rất đặc biệt hay bình thường, cũng tạo ra dấu ấn, sự trang nghiêm, ấm áp, gần gũi. Đi khắp thế giới, đến đâu hễ thấy cờ Việt Nam là chắc chắn sẽ gặp đồng hương, gặp một phần Tổ quốc, gặp những người mang dòng máu Tiên Rồng, con Lạc cháu Hồng, chẳng cứ là đại sứ quán hay tổ chức, công ty nào của Việt Nam, chỉ cần đó là quán ăn, nhà hàng trong chợ Sapa tại Prague (Cộng hòa Czech) hay của một siêu thị trên đất Pháp.

   “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên... Từ đây, người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người...”. Những ca từ nhân văn, ý nghĩa sâu sắc của nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát “Mùa xuân đầu tiên” luôn nhắc chúng ta về tình đời, khi bước vào xuân mới, năm mới.

   Mùa đông đầy nắng, không hề có sự thay đổi đột ngột áp suất (trừ bị ù tai), khi ngồi cáp treo lên-xuống đỉnh núi 3.143m. Đây là lần đầu tiên tôi và con gái lên đỉnh Fansipan, kỷ niệm được chủ tâm thiết kế, một “kỷ lục” sáng giá, ký ức quý báu của hai mẹ con, quà tặng đặc biệt tôi dành cho con gái trước sinh nhật tròn 5 tuổi.

   Chúng tôi, như mọi vị khách tham quan, đều đứng cạnh biểu tượng hình chóp được Tập đoàn Sun Group tạo ra 3-4 mô hình cho mọi người thoải mái chụp ảnh (phải xếp hàng lâu), cầm cán cờ, giơ cao cờ đỏ sao vàng. Xúc động và bất ngờ nhất là may mắn được chứng kiến Lễ Thượng cờ lúc 10 giờ 30 phút sáng thứ sáu (tình cờ trùng đúng lịch thông lệ). Ba chàng trai họ Trần quê Lào Cai: Tuấn Diệp, Thanh Tùng, Tiến Cương, cao 1,7-1,82m, nâng cờ 3,5x4m, dần kéo lên độ cao 19m trong tiếng nhạc. Giữa triền núi thoảng hương hoa đỗ quyên, thảo quả, gỗ vân sam cổ thụ, sau hành khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” của nhạc sĩ Doãn Nho, băng phát Quốc ca từ loa hòa với tiếng hát của công dân các lứa tuổi đang chăm chú chứng kiến Lễ Thượng cờ, tôi đã rơi lệ. Gần đó, NSND Trần Quốc Chiêm cũng khóc. Con gái tôi đã biết về cờ Tổ quốc từ lúc 2 tuổi, khi các cô giáo dán sticker cờ lên má, đưa cờ cho con vẫy, băng rôn ngang trán in lời hô vang “Việt Nam vô địch!” mỗi khi cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu.

   Con tôi đứng trang nghiêm ngước mắt theo sự dịch chuyển của lá cờ, rồi cùng chụp ảnh với các chú tiêu binh, được các chú bế đứng dưới cột cờ Tổ quốc. Tình yêu nước từ những kỷ niệm như thế.

   Tết này, tôi mua lá cờ mới cắm trước cửa nhà. Khu tập thể tôi ở, các nhà mặt ngõ đều được hướng dẫn làm cọc để cắm cán cờ.

   Xuân là mùa cờ-hoa vì còn thành lập Đảng đúng vào xuân. Đếm mùa xuân ra tuổi Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng duy nhất lãnh đạo nhân dân giành chủ quyền độc lập dân tộc và bảo vệ, dựng xây đất nước. Đảng ra đời 90 năm là 90 mùa xuân, 90 mùa hoa. Cờ Đảng, với hai biểu tượng màu vàng gắn kết: Búa (giai cấp công nhân) và liềm (giai cấp nông dân) là lực lượng chính yếu thực hiện và lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc thế kỷ 20. Màu vàng trên nền cờ đỏ, đồng màu, đồng nhất với màu cờ Tổ quốc, một màu đỏ luôn gây xúc động cộng hưởng lớn. Màu của máu, của niềm tin yêu, hy vọng cháy bỏng, cũng chính là màu cách mạng.

Cánh hoa không chỉ có sắc màu, còn chứa âm thanh. Đấy là tiếng của mùa xuân. Tự khắc, tự nhiên, không cần đánh thức, dù bài hát “Đánh thức tầm xuân” (Dương Thụ) cứ dịp Tết lại cất lên những lời gọi, giục: “Tầm xuân ơi! Tầm xuân ơi!” điệp điệp nhịp tình yêu sự sống và khát khao trong sáng tươi xanh nhất.

   Xuân là tuổi trẻ, khát vọng, tương lai. Mùa nào cũng tầm xuân./.

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 1 181
  • Tất cả: 1686476