Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long)
(TheoTuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 582) … Lăng Ông Trà Ôn thờ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Lăng này đã tồn tại hơn 200 năm, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996.

    Suốt hàng trăm năm qua, người dân Trà Ôn vẫn giữ lệ tổ chức Lễ hội Lăng Ông vào mùng 3 và mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm nhằm tưởng nhớ ngày mất của Đức Tiền Quân Thống chế Điều bát. Lễ hội có nhiều nghi lễ đặc sắc, đậm truyền thống Nam bộ bên cạnh phần hội với trò chơi dân gian, thi nấu ăn, thi đấu thể thao… thu hút rất đông người dân địa phương và du khách.

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn

   Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763-1820) là người dân tộc Khơme, quê ở làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh). Ông tên thật là Thạch Duồng. Vì ông hết lòng tận trung và có công với nhà Nguyễn nên được cho mang “quốc tính” và được lấy họ nhà vua làm tự danh. Đời nhà Nguyễn, ông được phân công đi chiêu mộ thành lập một đội quân người dân tộc Khơ-me và lãnh nhiệm vụ thống quản đội quân đó. Năm Gia Long thứ nhất (1802) ông được thăng Cai cơ, trấn giữ đồn Trà Ôn (thuộc Trấn Giang) kiêm Quản hóa phủ Trà Vinh và Mang Thít thuộc Vĩnh Trấn. Thời kỳ này, ông đã có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ngoại xâm, nội phản ở biên giới Tây Nam. Năm Gia Long thứ bảy (1808) và Gia Long thứ mười một (1811), ông được thăng Thống Chế. Năm 1819, ông được phân công trông coi dân phu, cùng giúp Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế. Do lao tâm, lao lực ông bị bệnh, mất đầu năm Canh Thìn 1820. Công đức của ông là giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Măng Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng.

   Đây cũng là địa chỉ du lịch văn hóa lễ hội đình làng truyền thống, đã được du khách thập phương ghé đến thưởng ngoạn phong cảnh, thắp hương cầu may và được xem nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, làm phong phú thêm nhu cầu tâm thức, tâm linh và nâng cao vốn hiểu biết về văn hóa các vùng quê thuộc miệt vườn Nam bộ  …/.

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 1007
  • Trong tuần: 10 086
  • Tất cả: 1672502