Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh Tổ chức lớp Tập huấn giới thiệu kỹ thuật vẽ tranh Sơn dầu
      Sáng ngày 20/5, Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh tổ chức lớp Tập huấn giới thiệu kỹ thuật Sơn dầu. Tham dự có Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; ông Lê Văn Bài, Chủ tịch Hội VHNT Trà Vinh, Ban lãnh đạo Hội, cùng một số hội viên Chi hội Mỹ thuật tham dự. 

Quang cảnh lớp tập huấn

    Tham dự lớp tập huấn các hội viên Chi hội Mỹ thuật được nghe Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp giới thiệu về lịch sử hình thành chất liệu sơn dầu; các thành phần chất liệu về bột màu, các loại dầu khô, dầu lanh, dầu lanh phơi nắng, dầu lanh chưng cất, dầu quả óc chó, dầu anh túc, dầu pha màu, dầu hòa tan, dầu thông, dầu oải hương, dầu hỏa tinh luyện, tinh dầu hỏa, dầu thông khoáng chất, các sản phẩm Whiter spirits,…và một số chất phụ gia giúp cho việc vẽ và bảo quản tranh sơn dầu hiệu qủa hơn; giới thiệu các dụng cụ vẽ tranh sơn dầu như bút lông tròn, bút lông dẹp, bút lông quạt, bút lông bản lớn,…giới thiệu về các kiểu cầm bút, cách cầm dao…

    Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, còn giới thiệu đến các hội viên tham gia lớp tập huấn một số bức tranh sơn dầu cổ ở thế kỷ II, một số bức tranh sơn dầu nổi tiếng của các tác giả trên thế giới vẽ trên các chất liệu khác nhau như: sơn dầu trên bảng gỗ, sơn dầu trên vải,…

Louis Davis. Lễ đăng quang của Napoleon tại Nhà thờ Đức Bà Paris. 1805 – 1808. Sơn dầu trên vải, kích thước 610 x 931 cm

 

Rubens. Cảnh cầu vồng. Sơn dầu trên bảng gỗ. 94 x 123 cm

Leonardo da Vinci. Đức mẹ Đồng trinh và con trai với Thánh Anne. 1510

    Đồng thời, Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, để có một bức tranh sơn dầu đẹp cần lưu ý:

Không gian lớp tập huấn

    - Vẽ sơn dầu theo nguyên tắc “béo trên gầy”: nghĩa là lớp màu phía dưới bao giờ cũng vẽ ít chất dầu hơn lớp màu bên trên. Véc ni là lớp dầu bóng và cứng, do đó luôn vẽ lớp sau cùng để không gây rạn nứt từ bên dưới. Các lớp sơn khi vẽ chồng chất lên nhau phải tính đến độ khô của lớp bên dưới, nếu không lớp sơn trên giống như một màng ngăn không cho lớp màu bên dưới khô hoàn toàn.

    - Sơn dầu là chất màu lâu khô nên trong quá trình vẽ hay xảy ra tình trạng “lầy màu”. Thời gian khô bề mặt của sơn là 24 giờ. Vẽ một lớp sơn quá dày (trên 1mm) thì thời gian khô bề mặt sẽ là 72 giờ. Các lớp màu lót bên dưới, nên vẽ mỏng để mau khô. Riêng màu trắng kẽm không vẽ lót quá mỏng, do màu này cứng, giòn, dễ gãy nứt khi khô.

    - Không dùng các màu háo dầu (như các màu vàng đất, vàng cam, lam phổ...) lót bên dưới, vì nó sẽ hút hết dầu của lớp sơn mặt trên, làm lớp sơn này rạn nứt. Nếu vẽ các màu háo dầu như vàng đất, da cam, màu sienna... nên trộn thêm dầu lanh cứng để sơn có thêm độ dầu, giúp cho sơn bóng bảy.

    - Rửa bút kỹ lưỡng trong các dung dịch dầu hòa tan, và lau khô khi dùng màu mới, chất hòa tan sẽ làm mất độ bóng của sơn.

    - Các nhát bút vẽ luôn hằn lại và không mất đi, đấy là đặc tính của màu nhão. Các vết bút ở trên dù có dầy sơn nhưng cũng không che nổi vết bút bên dưới. Tránh pha trộn sơn với quá nhiều màu. Một đặc điểm quan trọng của chất liệu là “hiệu quả vải nhung”, đây là hiệu quả ta hay gặp khi ghép hai miếng vải nhung cùng một màu nhưng trái chiều, chúng luôn tách khỏi nhau thành hai màu riêng biệt.

    - Khi tháo tranh ra khỏi khung để cuộn lại, chú ý phải cuộn mặt chính của tranh ra phía ngoài và cuộn trên một cái lõi bằng bìa khá to, cho tranh đỡ gãy. Điều này rất quan trọng, khi ta cuộn như vậy mặt sơn có nứt thì nứt ngửa ra, khi ta căng tranh trở lại khung vết nứt sẽ khép miệng lại.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hành thực tế kỹ thuật vẽ tranh, phối màu sơn dầu tại lớp tập huấn

    Mỗi hội viên tham dự lớp tập huấn được nhìn thấy thực tế kỹ thuật vẽ tranh, phối màu do chính Họa sĩ Nguyễn Trung Tín trực tiếp thực hành tại lớp, để từ đó các hội viên có thể cảm nhận trực tiếp và tiếp thu tốt hơn về các kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu như: kỹ thuật vẽ chồng lớp, lớp vẽ lót, kỹ thuật vẽ tráng (glaze), kỹ thuật vẽ đè lớp (scumbling), lối vẽ trực tiếp (lối vẽ ướt trên ướt - wet on wet), phương pháp hòa trộn màu, phương pháp màu vỡ (Broken colour), phương pháp vẽ màu dầy (impasto), kỹ thuật vẽ cạo sơn (sgaffito), kỹ thuật Tonking, cách tạo chất về mặt bằng màu lỏng và cuối cùng là lớp màu nền.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thực hiện bước vẽ màu nền.

    Lớp tập huấn này nhằm mục đích tạo điều kiện cho các họa sĩ chuyên và không chuyên, những người yêu thích Mỹ thuật, đặc biệt là vẽ tranh Mỹ thuật sơn dầu được giao lưu, học hỏi, tiếp cận các phương pháp mới trong hoạt động sáng tác Mỹ thuật. Từ đó giúp các họa sĩ, hội viên chi hội Mỹ thuật tỉnh Trà Vinh nâng cao năng lực sáng tác, sáng tạo ra những tác phẩm mới có chất lượng cao, chuẩn bị cho sự kiện Trà Vinh đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII – ĐBSCL lần thứ 28 năm 2023./.

    Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm cùng lớp tập huấn

 

Tin, Ảnh: Anh Thư  

 

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 3 267
  • Tất cả: 1685678