Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh tổ chức chuyến đi thực tế phục vụ sáng tác

   Nhằm giúp hội viên, Văn Nghệ sĩ hiểu sâu sắc hơn về các di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc, của vùng đồng bằng sông Cửu Long và tìm nguồn cảm hứng sáng tác những tác phẩm sát với thực tế cuộc sống. Trong ba ngày 22/6 và 24/6/2023, Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác đa ngành tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Tham gia chuyến đi có 20 hội viên, văn nghệ sĩ thuộc Chi hội Văn học, Văn Nghệ Khmer, Âm Nhạc, Sân Khấu, Mỹ thuật. Do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội VHNT làm Trưởng đoàn.

     Với chủ đề: “Cần Thơ – Nơi hội tụ tinh hoa vùng đất chín rồng”, nhằm giúp hội viên văn nghệ sĩ có thêm nguồn cảm hứng mới để sáng tác, đồng thời tìm kiếm nguồn tư liệu quí phục vụ cho hoạt động sáng tác Văn học, Nghệ thuật của các hội viên trong thời gian tới, nhất là phục vụ cho hoạt động của Tạp chí Văn nghệ Trà Vinh (chữ phổ thông, chữ Khmer) và trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội Văn học Nghệ thuật thêm phong phú đa dạng.

    Chuyến đi thực tế sáng tác đến các di tích lịch sử, văn hóa, tìm hiểu hoạt động sáng sớm ở Chợ nổi trên sông thuộc Thành phố Cần Thơ.

    Đoàn Văn nghệ sĩ Hội VHNT Trà Vinh đến dâng hương tại Đền thờ các Vua Hùng, nghe thuyết minh và tìm hiểu về đặc điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người dân Việt Nam, người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Đền thờ các Vua Hùng Cần Thơ được khởi công vào ngày 18/06/2019, với diện tích 4 ha gồm các hạng mục: Cổng vào, Đền thờ chính, nhà điều hành, nhà dịch vụ, nghi môn, nhà bia, sân đường, cây xanh, thảm cỏ, hồ nước điều hòa… Hàng ngày Đền thờ các Vua Hùng ở Cần Thơ có nhiều đoàn người đến thăm viếng, tìm hiểu nguồn gốc lịch sử, chụp ảnh lưu niệm. 

 

Đoàn hội viên, văn nghệ sĩ Hội VHNT Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ các Vua Hùng

    Để tìm hiểu về con người, vùng đất Cần Thơ nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung, đoàn văn nghệ sĩ đến tham quan Bảo tàng Cần Thơ, đây là nơi trưng bày hơn 1.000 hiện vật, tư liệu, di vật lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là nghe thuyết minh giới thiệu các hiện vật về nền văn hóa Óc Eo cổ xưa, văn hóa ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên địa bàn trong quá trình dựng nước – giữ nước, cùng quá trình chống giặp ngoại xâm và những thành tựu kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội của vùng đất Tây Ðô từ xưa đến nay

 

Đoàn hội viên, văn nghệ sĩ Hội VHNT Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Cần Thơ

    Đoàn đến thăm, dâng hương tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, một trong những công trình mang ý nghĩa lịch sử được xây dựng ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đây là nơi yên nghỉ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa – một nhà thơ yêu nước, tác gia tiên phong của sân khấu tuồng Việt Nam, người được mệnh danh là anh hùng tứ kiệt hay một trong bốn Rồng vàng của Nam Bộ.

 

Đoàn hội viên, văn nghệ sĩ Hội VHNT Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

    Tại huyện Phong Điền, Đoàn Văn nghệ sĩ Hội VHNT Trà Vinh đến dâng hương tại Di tích lịch sử Mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị đã suốt đời lấy thơ ca làm vũ khí đấu tranh cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc và được người đời mệnh danh là nhà thơ – chiến sĩ

 

Đoàn hội viên, văn nghệ sĩ Hội VHNT Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử Mộ Nhà thơ Phan Văn Trị.

    Tại quận Bình Thủy, đoàn đến tham quan Nhà cổ Bình Thủy - Nhà cổ đẹp xứ Tây Đô, được nghe thuyết minh về ngôi nhà. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870 thuộc sở hữu của nhà họ Dương Chấn Kỷ – một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có tư duy mỹ thuật. Ngôi nhà cổ Bình Thủy là bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng như: Người đẹp Tây Đô, Nợ đời, Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Con nhà nghèo, Người tình… Bằng giá trị kiến trúc, văn hóa Nhà cổ Bình Thủy được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 2009.

    Trong thời gian đi thực tế sáng tác lần này, các văn nghệ sĩ Hội VHNT Trà Vinh có cơ hội thâm nhập và tìm hiểu các nét đẹp văn hóa, lịch sử tại Cần Thơ, khai thác tư liệu và tích lũy vốn sống phục vụ cho việc nâng cao chất lượng sáng tác của mỗi hội viên, văn nghệ sĩ. Thông qua chuyến đi tăng cường thêm tình yêu quê hương đất nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, được tìm hiểu thêm về công trình văn hóa, có ý nghĩa. Thông qua chuyến đi đã góp phần tuyên truyền giáo dục cho hội viên, Văn Nghệ sĩ Trà Vinh, niềm tự hào dân tộc, gìn giữ và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa hội viên các chi hội và được giao lưu với các Hội trong khu vực với nhau./.

Tin, Ảnh: Anh Thư 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 911
  • Trong tuần: 12,298
  • Tất cả: 1,524,905