Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau” trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh,
   (Theo LLCT, 11/4/2023) - Trong hệ thống di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về “người trước, súng sau” trong giải quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bài viết phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau” trong hoạt động quân sự góp phần làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đồng thời, làm rõ sự vận dụng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng quân giới Đội Cấn năm 1950 - Ảnh tư liệu TTXVN

    1. Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau” trong hoạt động quân sự

    Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã kết hợp chặt chẽ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự, hình thành sức mạnh tổng hợp đấu tranh chống lại kẻ thù có tiềm lực quân sự mạnh hơn ta nhiều lần. Những tư tưởng triết lý mang tầm thời đại như: đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, khoan thư sức dân, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo... được phát huy mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là vào những giai đoạn đầy cam go, ác liệt, qua đó khơi dậy sức mạnh của nhân dân, trở thành cội nguồn của thắng lợi. Cùng với đó, ông cha ta rất coi trọng việc rèn đúc chiến cụ, chế tạo và sử dụng vũ khí để chống giặc. Chính những truyền thống, kinh nghiệm của ông cha được Hồ Chí Minh kế thừa, tiếp thu, hình thành nên tư tưởng “người trước, súng sau” trong hoạt động quân sự.

    Trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều nền văn minh của nhân loại, tinh hoa tư tưởng quân sự; kinh nghiệm cách mạng và cách thức tổ chức của quân đội Pháp, quân đội Nga; kinh nghiệm chiến đấu của Hồng quân Liên Xô... với những tư tưởng độc đáo như: “biết mình, biết người”, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, “thế, lực, thời”... Những tư tưởng đó được Người vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam như: “biết mình, biết giặc, trăm trận trăm thắng”; tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; náo phía Đông, đánh phía Tây; tránh trận gay go, không sống chết giữ đất... để chống lại kẻ thù xâm lược mạnh và trở thành một trong những cơ sở quan trọng hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau” trong hoạt động quân sự.

    Đặc biệt, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân là cơ sở lý luận quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau”. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ mối quan hệ giữa con người và vũ khí: đây là hai yếu tố cơ bản trong hoạt động quân sự, có mối quan hệ qua lại, tác động biện chứng với nhau. Con người là chủ thể sáng tạo ra và sử dụng vũ khí. Vũ khí cần có sự điều khiển của con người mới phát huy được tính năng, công dụng.

    Ph.Ăngghen khẳng định: “Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết... việc phát minh ra những vũ khí tốt hơn và việc thay đổi chất liệu người lính”(1). Cùng quan điểm này, V.I.Lênin viết: “Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”(2)... Những quan điểm đó được Hồ Chí Minh học tập, nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cách mạng Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm tư tưởng “người trước, súng sau” của Người trong hoạt động quân sự.

    Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, nhân dân ta liên tiếp chống lại kẻ thù xâm lược với tiềm lực kinh tế, quân sự hiện đại bậc nhất thế giới. Cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta là cuộc chiến tranh lấy yếu chống mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy vũ khí thô sơ chống lại vũ khí hiện đại. Do đó, làm thế nào để khắc phục những khó khăn, bất cập về lực lượng, phương tiện chiến đấu và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh không cân sức ấy là vấn đề cấp bách đặt ra cho cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Với trí tuệ sáng suốt và lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ và vạch ra tư tưởng “người trước, súng sau” trong hoạt động quân sự, có ý nghĩa to lớn đối với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

    2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau”

    Theo Hồ Chí Minh, trong hoạt động quân sự, con người giữ vai trò quan trọng, quyết định, vừa là chủ thể sáng tạo, cải tiến, sửa chữa, nâng cấp, vừa là chủ thể sử dụng, phát huy tính năng, công dụng của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong chiến đấu. Do đó, để tạo sức mạnh quân sự, trước hết phải chú trọng xây dựng con người tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và CNXH, có bản lĩnh chính trị vững vàng...

    Hồ Chí Minh khẳng định: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”(3); “Không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sỹ hăng hái đánh trận không”(4). Vì vậy, “vũ khí là cần nhưng quan trọng hơn là con người vác súng”(5). Con người là vấn đề cốt lõi, tạo nên sức mạnh to lớn mà không một loại vũ khí nào có thể đánh bại được, giúp nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Người khẳng định: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”(6).

    Cùng với việc đề cao vị trí, vai trò của con người trong hoạt động quân sự, Hồ Chí Minh khẳng định vũ khí là công cụ, phương tiện chiến đấu không thể thiếu được của chiến tranh cách mạng. Người chỉ rõ: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng”(7). Đối với Hồ Chí Minh, vũ khí không thuần túy là những công cụ, phương tiện thông thường để đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, mà vũ khí hóa thân thành sức mạnh vật chất to lớn, giúp con người vượt ra khỏi giới hạn thông thường, cải tiến, sáng tạo và phát huy cao độ tính năng, tác dụng của từng loại vũ khí quân sự trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

    Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vũ khí quân sự bao gồm vũ khí vật chất và vũ khí tinh thần. Về vũ khí vật chất, đó là gậy tầm vông, giáo mác, súng, mìn, bom, đạn, xe tăng, đại bác, máy bay, tàu chiến... Đây là những công cụ, phương tiện không thể thiếu được trong bất kỳ một cuộc chiến tranh cách mạng nào. Theo Hồ Chí Minh, những vũ khí vật chất đó thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc, vì con người, vì tính tự vệ, giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, chứ không vì mục đích xâm lược.

    Người khẳng định: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(8). Người nhấn mạnh: “Cái gì đánh được giặc là phải dùng cả... khi có dịp phải rèn giáo, mác cho du kích”(9). Vì vậy, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người đã tìm mọi cách cách để tạo ra vũ khí phục vụ cho hoạt động quân sự, như: chỉ đạo lực lượng quân đội tự sản xuất vũ khí, lấy vũ khí của giặc để tự trang bị cho mình, mua sắm vũ khí từ nước ngoài, tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ từ bạn bè quốc tế...

    Về vũ khí tinh thần, theo Hồ Chí Minh, đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, sáng tạo, hy sinh... Vũ khí tinh thần đó đã hòa quyện, thống nhất với mục tiêu, lý tưởng cách mạng trở thành sức mạnh to lớn giúp nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách với ý chí, quyết tâm cao độ: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”...

    Đề ra tư tưởng “người trước, súng sau” trong hoạt động quân sự, Hồ Chí Minh cho rằng: phải luôn coi trọng và phát huy nhân tố con người, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh của quần chúng nhân dân trong hoạt động quân sự. Đồng thời, cần giải quyết linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ giữa con người và vũ khí trang bị trong hoạt động quân sự vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi thời kỳ lịch sử. Bởi đây là mối quan hệ cơ bản nhất của hoạt động quân sự, sức mạnh của các yếu tố khác được phát huy thông qua mối quan hệ này.

    Hồ Chí Minh cho rằng: “tinh thần của con người phải truyền qua súng”. Con người với tư cách là chủ thể sáng tạo và sử dụng vũ khí, cần phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo của bản thân trong sử dụng vũ khí, sử dụng đúng mục đích. Khi đó, vũ khí quân sự sẽ biến thành sức mạnh vật chất trong thực tiễn chiến đấu, làm cho con người và vũ khí trở nên mạnh mẽ hơn, vươn xa hơn.

    Để giải quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự, Hồ Chí Minh đề ra những chủ trương, biện pháp rất đúng đắn, khoa học, như: bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người trong hoạt động quân sự; nâng cao số lượng, chất lượng vũ khí trong hoạt động quân sự; tổ chức huấn luyện, biên chế các lực lượng phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

    3. Vận dụng tư tưởng “người trước, súng sau” vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước súng sau” có vai trò rất quan trọng đối với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam; đặc biệt sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội ta, từ 34 cán bộ, chiến sỹ, trang bị vũ khí thô sơ đến một đội quân “bách chiến, bách thắng”, “càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn”. Thực tiễn gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, Quân đội ta luôn “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(10).

    Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành các chỉ thị, thông tư, như: Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 09-02-2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Chỉ thị số 91/CT-BQP ngày 22-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “về việc tăng cường quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Thông tư số 192/2016/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng; Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28-11-2019 “về tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; thường xuyên quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-01-2022 của Bộ Chính trị “về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 02-4-2022 của Quân ủy Trung ương “về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”.

    Nhờ vậy, cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân luôn tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội và quy định đơn vị; tổ chức huấn luyện chặt chẽ, nghiêm túc, sát thực tế; các đơn vị chấp hành nghiêm mệnh lệnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Từ năm 2016 đến nay, quân đội đã điều chỉnh 1.286 tổ chức, giải thể các trường nghề và 61 trường quân sự cấp tỉnh(11); các cơ sở sản xuất, sửa chữa công nghiệp quốc phòng bảo đảm trang thiết bị, vũ khí cho các đơn vị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đặc biệt, công nghiệp quốc phòng từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn; đẩy mạnh mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; tổ chức diễn tập quân binh chủng với các nước trong khu vực; tổ chức triển lãm quân sự, quốc phòng để quảng bá, giới thiệu tiềm lực quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, tăng vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế...

    Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; thời cơ, vận hội đan xen với nguy cơ, thách thức, song hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với sự ra đời của nhiều loại vũ khí công nghệ cao; những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; những mâu thuẫn, xung đột về tranh chấp chủ quyền, biên giới, lãnh thổ... ngày càng gay gắt, phức tạp.

    Đối với nước ta, sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được củng cố và gia tăng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động với âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, hòng trung lập, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với Quân đội... Thực tế đó đặt ra cho Quân đội nhiệm vụ phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc di sản lý luận về “người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Cụ thể:

    Một là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội

    Đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa hàng đầu để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Theo đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh đến cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân; quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau”. Các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa vào từng nhiệm vụ, bố trí, sắp xếp lực lượng phù hợp, hiệu quả, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; cán bộ, chiến sỹ luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và CNXH, không ngại khó, ngại khổ, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kỷ luật là sinh mệnh của quân sự”, “Là sức mạnh của Quân đội”. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy đơn vị, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vận động phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”(12).

    Hai là, tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sỹ, duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, các chế độ, nền nếp chính quy trong đơn vị

    Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì và cơ quan chính trị các cấp tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ; nắm chắc lý lịch cá nhân, thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ để thấu hiểu, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt tư tưởng; không dùng mệnh lệnh, quyền uy, hoặc có biểu hiện quân phiệt, quan liêu trong xử lý, giải quyết các tình huống xảy ra trong đơn vị. Cán bộ quản lý các cấp phải luôn gương mẫu trong lời nói và hành động, là tấm gương mẫu mực, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cán bộ, chiến sỹ; duy trì và thực hiện nghiêm túc các chế độ trong ngày, trong tuần như: đọc báo, xem thời sự, tự học, trực ban, trực chiến, đi báo công, về báo cáo, kiểm tra quân số thường xuyên, đột xuất kiểm tra... Cần đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp. Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải bảo đảm sự thống nhất, nhịp nhàng, đồng bộ trong điều hành chế độ, nền nếp chính quy; phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục triệt để những biểu hiện độc đoán, quân phiệt, thiếu quan tâm đến đời sống bộ đội, thiếu trách nhiệm trong quản lý đơn vị,... để vi phạm kỷ luật kéo dài. Khi đơn vị có vụ việc nghiêm trọng xảy ra, cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh.

    Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác chấp hành kỷ luật quân đội của mỗi cán bộ, chiến sỹ

    Mỗi cán bộ, chiến sỹ dù ở cương vị, chức trách nào cũng phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc kỷ luật quân đội, quy định đơn vị. Không ngừng tự giác tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện về năng lực, phương pháp, tác phong công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động, tự giác chấp hành kỷ luật quân đội, quy định đơn vị mọi lúc, mọi nơi, phát huy phẩm chất, uy tín “Bộ đội Cụ Hồ” được lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ xây dựng, gìn giữ và vun đắp; có bản lĩnh chính trị vững vàng, bình tĩnh, chủ động trong mọi hoàn cảnh; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” suy nghĩ, thái độ, hành vi, ứng xử phù hợp với môi trường công tác; xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị; có ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện, cần chủ động khắc phục, sửa chữa khâu yếu, mặt yếu của bản thân, phát huy ưu điểm, thế mạnh, sở trường trong thực hiện các nhiệm vụ; thường xuyên đối chiếu, so sánh những quy định, yêu cầu của đơn vị với thực tiễn rèn luyện của bản thân để điều chỉnh cho phù hợp; xây dựng đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không giấu dốt, tự ti hoặc tự kiêu.

    Bốn là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới

    Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo”(13). Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp của Bộ Quốc phòng cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật; phát huy truyền thống tự lực, tự cường của Quân đội; xây dựng những trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự vững mạnh, toàn diện, làm nòng cốt trong tham mưu, đề xuất chế tạo, sản xuất vũ khí công nghệ cao, hiện đại.

    Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; đầu tư thích đáng cho ngành công nghiệp lưỡng dụng; tăng cường hợp tác với các nước có tiềm lực quân sự mạnh như Nga, Mỹ, Nhật Bản... để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp, đào tạo nguồn nhân lực trong sản xuất, chế tạo vũ khí quân sự; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhà máy, xí nghiệp quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật../.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận bài: 26-12-2022; Ngày bình duyệt: 12-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

 

(1) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.235.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.35, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.497.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.460.

(4), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.527, 534.

(5) Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.255.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.297.

(7) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919 - 1969), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.103.

(9) Đầu nguồn hồi ký về Bác Hồ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr.337.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.435.

(11) Phan Văn Giang: Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 29-6-2022.

(12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.160-161, 158-159.

PGS, TS PHẠM ĐÌNH NHỊN

TS HOÀNG MẠNH HƯNG

Học viện Chính trị,

Bộ Quốc phòng

 

1 2 3 4 5  ... 
Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 95
  • Trong tuần: 3 550
  • Tất cả: 1685562