TRẦM THANH TUẤN
Trong thế giới Đường thi, thi đề Ức hữu là một thi đề lớn với nhiều thi phẩm có giá trị. Bác cũng có nhiều bài thơ chữ Hán viết rất hay về tình bạn. Tiêu biểu trong số ấy có thể kể đến bài "Tặng Bùi Công", một bài thơ được sáng tác trong những ngày xuân ở chiến khu Việt Bắc:

Phiên âm
Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi
.


Dịch nghĩa
Khi xem sách, chim rừng đậu ở song cửa sổ,
Lúc phê công văn, đoá hoa xuân soi bóng trong nghiên mực.
Luôn luôn phải về báo tin thắng trận, con ngựa trạm cũng vất vả,
Nhớ cụ, vừa tức cảnh thành bài thơ gửi tặng cụ.


Dịch thơ
Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi ghé nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài.
(Bản dịch của Nhà xuất bản Văn học)


Bùi Công được nhắc đến trong bài thơ này chính là cụ Bùi Bằng Đoàn (17/9/1889 - 13/4/1955) quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, đỗ cử nhân, tốt nghiệp trường Hậu bổ, làm tri huyện, tuần phủ rồi thượng thư Bộ Tư pháp triều đình Bảo Đại. Sau Cách mạng Tháng Tám là nhân sĩ yêu nước tham gia kháng chiến chống Pháp, được bầu làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội khoá I.


Bài thơ trên được Bác viết để tặng cụ Bùi Bằng Đoàn vào mùa xuân năm 1948, sau chiến thắng Việt Bắc Thu đông năm 1947.


Hai câu thơ đầu khắc họa không gian xuân, tình xuân nồng nàn trong niềm giao cảm giữa con người và thiên nhiên tạo vật. Tứ thơ khiến người đọc nhớ nhiều đến cuộc sống ẩn dật của bậc danh nho Nguyễn Trãi. Xưa trên Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã từng làm bạn với núi non, mây trời, với ánh trăng soi.


"Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam"
(Thuật hứng XIX)


" Rượu đối cầm đâm thơ một thủ,
Ta cùng bóng liễn nguyệt ba người
(Thuật hứng VI)"


Với những con vật lành "cò nằm hạc lặn nên bầu bạn" (Ngôn chí-XX)….thì nay trên chiến khu Việt Bắc trong cảnh ngày xuân tươi đẹp chim núi hoa rừng cũng làm bầu bạn với văn nhân:


"Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi ghé nghiên soi"


Phép đối liên vốn là thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của bát cú Đường luật. Tuy vậy ở một số bài thơ tứ tuyệt các tác giả thi thoảng cũng có sử dụng đối liên. Nhưng phép đối liên nếu được sử dụng trong thơ tứ tuyệt thì chủ yếu là khoan đối chứ ít khi thấy chỉnh đối.


Ở thơ tứ tuyệt ta còn thấy phổ biến là hình thức có đối một nửa. Khi khảo sát nghệ thuật đối trong thơ tứ tuyệt Đường thi nhà nghiên cứu Nguyễn Sĩ Đại đã có nhận xét: "Đây cũng là một loại khá phổ biến trong thơ tứ tuyệt hoặc hai câu đầu có đối hoặc hai câu sau có đối, có khi đối chặt nhưng có khi đối lỏng, cốt lấy ý là chính".


Khảo sát hai câu thơ đầu, chúng ta dễ dàng nhận thấy: Hai câu thơ được tạo dựng bằng nghệ thuật đối liên trong cấu trúc:


Khán thư

Phê trát

Sơn điểu

Xuân hoa

Thê

Chiếu

Song hãn

Nghiễn trì

 
Chính cấu trúc đối này đã tạo dựng không gian đặc trưng - thư phòng của một ẩn sĩ, thi sĩ. Bằng những động từ mô tả hành động của thi nhân như "khán", "phê" trong thế tương giao với những động thái của thiên nhiên như "thê", "chiếu" kết hợp với biện pháp nhân hóa đã tạo nên sự hòa hợp giao cảm tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên tạo vật.


Nếu ở hai câu thơ đầu nồng nàn hơi thở của cổ thi thì đến hai câu thơ cuối, không khí của thời đại đã ùa vào cảm xúc của người thơ. Có lẽ đối với Bác mùa xuân đẹp nhất là mùa xuân chiến thắng của dân tộc thế nên trong thời khắc đẹp của đất trời này, cảm hứng xuân và niềm vui chiến thắng cộng hưởng khiến Bác không kiềm nén được thi hứng đã tạo tác nên một áng thơ xuân đẹp để tặng cho người bạn đồng tâm, đồng chí. Bài thơ là sự hài hòa tuyệt đẹp của tình bạn riêng tư và tình đồng chí sâu nặng:


Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài
.


Chi tiết nghệ thuật này "Tin vui thắng trận dồn chân ngựa" đã góp vào sự phong phú của những tín hiệu nghệ thuật về chiến thắng trong thơ Bác: Tiếng kèn du kích trong "Thu Dạ", tiếng chuông lầu núi trong "Báo tiệp" và "vần thắng" vút lên cao trong bài "Vô đề", tin vui miền Nam thắng trận trong "Mậu Thân xuân tiết"…


Nhận được bài thơ tặng, cụ Bùi Văn Đoàn rất xúc động, có bài thơ họa gửi lại Bác:


 Phiên âm:        
 “ Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc,
Giang sơn vạn lý thủ thành trì.
Tri công quốc sự vô dư hạ,
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi”


 Dịch nghĩa:      
“ Sắt đá một lòng nâng đỡ nòi giống,
Non sông muôn dặm gìn giữ cõi bờ.
Biết Cụ bận việc nước không còn thì giờ rảnh,
Nhưng cầm đến bút  vẫn thành thơ đẩy lùi được quân giặc”


Dịch thơ:            
“Sắt đá một lòng vì chủng tộc.
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ.
Biết Người việc nước không hề rảnh,
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù”
(Bản dịch của NXB Văn học  – 1967)


Thế mới hay với những con người nặng lòng với quê hương đất nước thì sự tương đồng, tương giao lớn nhất trong tình bạn hữu đó là tấm lòng yêu nước thương dân sâu nặng. Và cũng chính vì lẽ trên mà khi đọc thơ chữ Hán của Bác chúng ta có thể thấy phong cốt Đường Tống thể hiện rõ trên hình thức nghệ thuật như trên bình diện nội dung lại đậm đà ý vị nhân sinh của người cách mạng.


Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 22
  • Trong tuần: 3 283
  • Tất cả: 1685694