Chốt giữ các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.
   (Theo Thời Báo VHNT,14-03-2023 ) - Sau 35 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma 14/3/1988 - 14/3/2023, với gần chục năm làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, rất nhiều kỷ niệm, nhân dịp này tôi giới thiệu một số việc, chủ yếu về chốt giữ các đảo chìm.

    Giải phóng Trường Sa                   

    Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân chủng Hải quân và Quân khu V phối hợp giải phóng quần đảo Trường Sa. Bộ tư lệnh Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Quyết tâm của Đảng uỷ, Bộ tư lệnh là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta.

    Lực lượng gồm 3 tàu vận tải của Đoàn 125 chở 1 đại đội của Trung đoàn 126 đặc công Hải quân, 1 phân đội hoả lực của đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 471/Quân khu 5 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng đi giải phóng quần đảo Trường Sa. Đến 5 giờ 15 phút ngày 14 tháng 4 năm 1975, ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây, thu toàn bộ vũ khí trang bị của địch. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên đỉnh cột cờ trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.

    Đêm 24 tháng 4, tàu 673 chở Ban chỉ huy chiến đấu và phân đội 3 Đoàn 126  tiến vào gần đảo Sơn Ca. Trận chiến đấu diễn ra nhanh chóng, lá cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng 5 cánh được kéo lên cột cờ trên đảo Sơn Ca.

Tàu HQ 505 trong trận chiến Gạc Ma - Trường Sa. Ảnh tư liệu.

    Từ thông tin của Đại đội 7 trinh sát / Bộ Tham mưu báo cáo, khi biết tin bị mất đảo Sơn Ca, bọn quân nguỵ trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa hoang mang tột độ, sau đó chúng rút ra tàu bảo vệ chạy khỏi đảo. Chớp thời cơ, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương lập tức chỉ thị cho Đoàn trưởng Mai Năng đang trên tàu 673 ở Song Tử Tây: "Khẩn trương cho lực lượng đến các đảo còn lại, quyết không để một lực lượng nào khác lợi dụng cơ hội để chiếm đảo". Vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, tàu 673 nhổ neo rời Song Tử Tây tiến về Nam Yết, một bộ phận của Phân đội 3 đổ bộ lên chiếm giữ đảo. Không một tiếng súng nổ do quân địch đã rút chạy hết. Lá cờ của  mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên đảo Nam Yết.

    Vào 10 giờ 30 phút ngày 28/4 ta giải phóng, kéo cờ trên đảo Sinh Tồn. Một bộ phận 18 cán bộ chiến sĩ ở lại chốt giữ đảo Sinh Tồn, tàu 673 khẩn trương chở lực lượng đến giải phóng đảo Trường Sa. Lúc 9 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, phân đội chiến đấu của Trung đoàn 126 đã hoàn thành đổ bộ lên đảo Trường Sa. Cờ giải phóng tung bay trên hòn đảo lớn nhất, hòn đảo thứ 5 và cũng là hòn đảo cuối cùng mà quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ ở quần  đảo Trường Sa.

    Quân chủng Hài quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

    Còn 4 đảo nổi gồm nhỏ: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang chưa ai đóng giữ.

    Tháng 3 năm 1977 Thiếu tướng Giáp Văn Cương - Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam được điều về làm Tư lệnh Hải Quân. Bộ tư lệnh Hải quân đã báo cáo lên Bộ Quốc phòng, đến năm 1978 Hải quân Việt Nam đóng giữ hết cả 4 đảo nổi còn lại, nâng tổng số lên 9 đảo nổi.

    Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng, chiều ngang từ đông sang tây khoảng 170 hải lý (300 km), chiều dọc từ Bắc xuống nam khoảng 330 hải lý (611 km). Đảo nổi Trường Sa gần nhất cũng cách Cam Ranh 250 hải lý (463 km), đảo Tiên Nữ xa nhất về phía đông cách Cam Ranh 390 hải lý (700 km). Quần đảo bao gồm các đảo, các bãi cạn, bãi đá ngầm với khoảng 140 vị trí.

    Cho đến năm 1987 Trung Quốc chưa có mặt ở Trường Sa.

    Xây dựng công trình Z76

    Khi giải phóng, các đảo trên quần đảo Trường Sa hoàn toàn đá cát san hô trơ trụi, 5 đảo lớn do quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ chỉ có mấy chiếc công sự vòm tôn rất sơ sài, mấy nhà dã chiến lợp tôn, mỗi đảo có một đài quan sát  kết cấu thép mạ kẽm. Trên 4 đảo nhỏ mới đóng giữ, một màu cát đá san hô trắng lẫn phân chim hải âu màu đen xám khắp mặt đảo.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân đã tổ chức lập kế hoạch xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa, lấy mật danh là Z76.

    Đầu năm 1976, Bộ Tổng tham mưu điều Trung đoàn Công binh 83 thuộc Quân khu 5 về Quân chủng Hải quân để làm nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa.

    Phòng Công binh Hải quân thiết kế, có sự chỉ đạo giúp đỡ của Bộ tư lệnh Công binh; Trung đoàn Công binh 83 đã tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống công trình trên 9 đảo nổi gồm các hầm chỉ huy, lô cốt, công sự chiến đấu các loại, hầm vũ khí, hầm bảo đảm hậu cần, quân y, hào giao thông, hào chiến đấu, hầm nước...

    Trên đảo Trường Sa, Phòng công binh Hải quân được sự giúp đỡ của Viện kỹ thuật Công binh tổ chức thiết kế, Trung đoàn công binh 83 đã thi công cầu nổi bằng poong tông dạng chữ I dài gần 100 mét. Quân chủng Phòng không - Không  quân đã thiết kế, xây dựng sân bay, đường băng lát ghi nhôm dài 640 mét.

    Trong giai đoạn này tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn nên một số vật liệu đưa từ đất liền ra, cát san hô tận dụng tại đảo, đá san hô khai thác trên bãi san hô bao quanh đảo. Công trình xây dựng lâu bền bằng kết cấu bê tông cốt thép toàn khối kết hợp bán lâu bền bằng bê tông lắp ghép và xây đá san hô.

    Khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm 

    Ngoài đóng giữ 9 đảo nổi, Bộ tư lệnh Hải quân đã tổ chức khảo sát phát hiện ra gần 100 bãi đá ngầm ta gọi là đảo chìm. Bộ tư lệnh Hải quân đã giao cho Vùng 4 tổ chức thả bia khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm. Từ năm 1976 đến năm 1984, Lữ đoàn 146, Trung đoàn công binh 83 cùng Phòng tham mưu, Ban công binh Vùng 4 đã phối hợp tổ chức thả gần 100 bia chủ quyền trên các bãi đá ngầm (đảo chìm) để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trưởng Sa.

    Hàng năm Bộ tư lệnh Hải quân đều tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra quần đảo Trường Sa, kiểm tra bia chủ quyền trên các đảo chìm.

    Hoàn thành kế hoạch Z76

    Từ năm 1976 bắt đầu đến năm 1984 hoàn thành toàn bộ kế hoạch Z76, bao gồm hệ thống công trình chiến đấu trên 9 đảo nổi và đặt bia chủ quyền trên gần 100 bãi đá ngầm (đảo chìm) trên quần đảo Trường Sa. Trung đoàn Công binh 83 hoàn thành nhiệm vụ, rút khỏi Trường Sa.

    Đóng giữ đảo chìm thuyền chài 

    Tháng 4/1986, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương dẫn đầu đoàn cán bộ Hải quân, có các cơ quan Bộ Quốc phòng tham gia đi kiểm tra, chỉ đạo các mặt trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, chúng tôi: Đại uý - Kỹ sư Hoàng Kiền và Đại uý - Kỹ sư Đỗ Văn Thông cùng là trợ lý phòng Công binh tham gia đoàn.

    Đến đảo chìm Thuyền Chài, Tư lệnh cho tàu neo lại, nửa đêm giữa trăng sáng vằng vặc bỗng nổi lên mặt biển một hòn đảo dài mấy chục cây số. Sáng hôm sau Tư lệnh giao cho tổ bảy người thả xuồng vào kiểm tra mốc chủ quyền và phát hiện nước ngoài đã thả trộm bia chủ quyền trên đảo này. Tư lệnh nói: Sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra và chỉ đạo các biện pháp chuẩn bị đối phó.

    Ông giao cho tôi- đại uý kỹ sư Hoàng Kiền nghiên cứu dùng cát san hô trộn xi măng để xây dựng công trình ở Trường Sa theo phương pháp trình tường.

    Thượng uý- kỹ sư Hoàng Anh Dũng cùng đại uý Nguyễn Văn Ánh - Chủ nhiệm Công binh Vùng 4, đại uý- kỹ sư Đỗ Văn Thông - Trợ lý Phòng Công binh Hải quân tham gia nghiên cứu thiết kế nhà chốt giữ nhanh đảo chìm.

    Tháng 2/1987, nhà C3 đầu tiên được lắp dựng trên đảo chìm Thuyền Chài. Kết cấu cột bê tông cốt thép, tận dụng cột điện gỗ thông ở Cam Ranh của Mỹ cắt ra làm cột chống xiên, kết cấu dầm gỗ xẻ, lát ghi nhôm, lợp vòm tôn. Phân đội công binh Vùng 4 do thượng uý Đào Chí Tiến là Đại đội trưởng ra triển khai, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của thủ trưởng Vùng 4, Lữ đoàn 146.

    Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp ra kiểm tra nhưng thấy chưa yên tâm, ông quyết định kéo thêm 1 pông tông ra và  xây dựng một nhà lâu bền còn gọi là nhà C1 bên cạnh nhà C3 bằng đá xây kết hợp bê tông cốt thép lắp ghép, do kỹ sư Đỗ Văn Thông thiết kế, Công binh vùng 4 thi công. Từ đây, phương án chốt giữ đảo chìm được xác định: dùng tàu vận tải neo giữ trước, sau đó dựng nhà C3 cộng với pông tông hoặc tàu LCU chốt, tiếp theo làm nhà C1.

    Nhà C3 trên đảo chìm Trường Sa 

    Ngày 3/9/1987, Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sát nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Hải Nam, sau đó họ liên tục cho tàu chiến giả dạng tàu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa của ta nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.

    Trước tình hình đó Bộ Tư lệnh Hải quân đã nghiên cứu phương án đóng giữ các đảo chìm. Đã kéo 2 poong tông có nhà phủ bạt trên boong đưa ra Đá Đông và Đá Nam, nhưng do sóng gió lớn poong tông Đá Nam bị đứt neo trôi không chịu được đành kéo về Đá Đông. Chuyển sang phương án đưa các tàu vận tải ra canh giữ, làm các nhà cao chân C3 để chốt giữ các đảo chìm và đưa tàu đổ bộ LCU ra chốt giữ.

    Với lực lượng tàu vận tải của Lữ đoàn 125 và Vùng 4 Hải quân, Trung đoàn Công binh 83, Lữ đoàn giữ đảo 146, Tiểu đoàn Công binh V4, chúng ta quyết tâm tổ chức đóng giữ các đảo chìm chủ yếu là lắp dựng nhà C3.

    Ngày 14 tháng 3 năm 1988, phân đội của Trung đoàn công binh 83 cùng phân đội của Lữ đoàn 146, tổ đo đạc của Đoàn 6 ra lắp dựng nhà C3 chốt giữ đảo chìm Gạc Ma. Bị đối phương dùng vũ lực bắn chìm tàu vận tải HQ 604 ở đảo Gạc Ma và tàu vận tải HQ 605 ở đảo Len đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505 ở đảo Cô Lin, sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, chiếm đảo Gạc Ma của ta.

    Trước tình hình ấy, với quyết tâm cao, biện pháp cụ thể, chúng ta tiếp tục lắp dựng bổ sung các nhà C3 trên các đảo chìm để chốt giữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Lực lượng Công binh Hải quân bao gồm: Phòng Công binh, Ban Công binh Vùng 4, Lữ đoàn CB 83, Lữ đoàn CB 131, 2 Tiểu đoàn CB Vùng 4 phối hợp với Lữ đoàn 146 / Vùng 4, Đoàn 6 / Bộ tham mưu Hải quân đã khẩn trương lắp dựng  các nhà C3 trên đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa.

    Như vậy đến ngày 27/4/1988 ta đã lắp dựng được tổng số 18 nhà C3 trên 12 bãi đá ( đảo chìm) và bãi cạn đảo nổi Phan Vinh.

    Trong đó nhà C3 lắp dựng đầu tiên trên đảo chìm Thuyền Chài năm 1987, 17 nhà C3  lắp dựng trong năm 1988.

    Cụ thể:

    Trung đoàn 83 lắp dựng 12 nhà

    Trung đoàn 131 lắp dựng 2 nhà

    Tiểu đoàn 1 Công binh Vùng 4 lắp dựng 4 nhà.

    Nhà C3 là công trình dã chiến, lắp dựng nhanh hoàn toàn thủ công, bí mật để chốt giữ các đảo chìm. Thật tự hào, lực lượng Công binh nói chung, Công binh Hải quân nói riêng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng các công trình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong đó  với sự  sáng tạo, mưu trí dũng cảm trong thiết kế, gia công, vận chuyển, lắp dựng 14 nhà C3 trên các đảo chìm ngập nước giữa Trường Sa mùa sóng gió, đã góp phần quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc chốt giữ 12 đảo chìm ở thời điểm lịch sử đó trước mũi súng quân địch.

    Nhà C3 là công trình dã chiến nhưng có giá trị và ý nghĩa về mặt chiến lược đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Trường Sa./.

                                                Thiếu tướng Hoàng Kiền

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 448
  • Trong tuần: 9 527
  • Tất cả: 1671943