Nhận diện cơ hội và thách thức của việc ứng dụng công cụ AI trong công việc làm báo.
   (Theo Thời Báo VHNT, 18-03-2023) - Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” - Diễn đàn nơi các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay đã diễn ra vào sáng ngày 18/3, tại Bảo tàng Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
 

    Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

    Tại Hội thảo, các diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông đã trình bày tham luận với các nội dung: AI và báo chí – Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam; Hiện tượng “Chat GPT”: Cú huých chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số trên cơ sở giá trị cốt lõi của mình; Thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn; Kết quả thử nghiệm Chat GPT trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí truyền hình ở Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV).

    Các diễn giả cũng có những chia sẻ về Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng như: AI đã làm thay đổi lao động nhà báo và quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí số như thế nào? Có thể sử dụng AI vào những bước, những khâu cụ thể nào trong sáng tạo nội dung số? Ưu thế và hạn chế của AI trong sáng tạo nội dung báo chí là gì?

    Bên cạnh đó, các diễn giả, khách mời và tất cả các quý vị tham dự trực tiếp và trực tuyến cùng thảo luận về các gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bước, các khâu trong quản trị sáng tạo nội dung tại toà soạn, như: Làm thế nào để tăng tốc sản xuất nội dung, quản trị được các hoạt động sáng tạo nội dung trong toà soạn? Khi ứng dụng AI, quản trị toà soạn đối mặt với những vấn đề gì, từ góc nhìn pháp lý, đạo đức, văn hoá?

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

    Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.

    Hiện nay sự phát triển rất nhanh của AI đang đặt ra hàng loạt câu hỏi về cơ hội, thách thức đối với báo chí và cả vị trí việc làm của các nhà báo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt vấn đề như: Việc sử dụng AI trong công việc làm báo tiềm ẩn việc tạo ra các thông tin sai lệch; Ai sẽ sở hữu các bài viết do AI tạo ra? Ai chịu trách nhiệm với việc xuất bản các nội dung là sản phẩm của AI? Việc đối phó nội dung độc hại với báo chí sử dụng AI sẽ như thế nào? Nguồn thu của báo chí bị AI đe doạ ra sao?

    Về vấn đề đầu tư vào AI trong báo chí, ông Lê Quốc Minh cho rằng báo chí rất cần đầu tư cho trí tuệ nhân tạo nhưng việc đầu tư này không phải là mua một chatbot như ChatGPT để viết bài thay phóng viên. AI có nhiều ứng dụng khác nhằm hỗ trợ cho hoạt động của báo chí như việc nắm bắt hành vi người đọc, từ đó khuyến nghị nội dung theo hướng cá nhân hóa để lôi kéo, giữ chân độc giả.

    Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Con đường của báo chí đang đi chắc chắn là đồng hành với công nghệ, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ chúng ta làm được rất nhiều việc, giảm bớt những việc lặp đi lặp lại tốn nhiều công sức. Nhưng ở góc độ sáng tạo, làm những thứ đòi hỏi cảm xúc, những công việc cụ thể hơn như phỏng vấn đối tượng, trong thời gian trước mắt trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể làm được, nhưng nó có thể trong tương lai. Do đó, cần kiểm soát AI để nó phục vụ công việc, cuộc sống của chúng ta thay vì lệ thuộc vào nó”.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,

 Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

    Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã đưa ra quan điểm của ông về trí tuệ nhân tạo (Al) với hoạt động báo chí. Nói về cơ hội mà AI tạo ra cho ngành báo chí, theo ông, AI giúp gạt bỏ bớt những loại công đoạn, những loại lao động, những loại kỹ năng thuộc dạng cơ bản mà AI có thể làm như con người và tốt hơn con người.

    Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghệ cũng chỉ là công cụ: “Chúng ta chỉ dùng công nghệ ở chỗ nó có lợi cho chúng ta. Chúng ta không nên vào hùa theo những thứ mà nghe là công nghệ nhưng nó làm cho mình mất đi cái bản thể. Như người ta nói dĩ bất biến, ứng vạn biến. Như các cụ mình nói rồi, muốn đi xa thì phải về gần. Cái gì là giá trị cốt lõi của báo chí? Cái nào là giá trị của mình? Công nghệ và tất cả mọi thứ chỉ là công cụ thôi".

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Hải)

    Theo Ths. Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford, Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI, AI như ChatGPT có thể giúp nhà báo có ý tưởng viết bài, thậm chí viết những tin đơn giản, tuy nhiên các thông tin, bằng chứng mà ChatGPT đưa ra rất cần phải được kiểm chứng. Ths. Trần Lệ Thùy cũng cho biết thêm, hiện tại ChatGPT chỉ có thể thực hiện được kiểu bài có cấu trúc tam giác ngược đơn giản, còn với những bài viết sâu như viết tường thuật hay viết bài theo cấu trúc kim cương, cấu trúc đồng hồ cát thì ChatGPT chưa viết được.

Chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia,

nhà khoa học và các cơ quan báo chí”. (Ảnh: Huyền Thương)

    Chia sẻ bên lề hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ nêu rõ: PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ chia sẻ: “Đây là hội thảo lớn nhất từ trước tới nay của mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm báo trong cả nước và các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông tại Việt Nam cùng trao đổi về việc ứng dụng công cụ AI với vai trò trợ lý ảo cho những hoạt động tổ chức và sáng tạo nội dung trong tòa soạn. Chỉ trong thời gian ngắn, Hội thảo nhận được 22 tham luận từ các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà khoa học gửi về Ban Tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí”.

                                                          Huyền Thương

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 1 158
  • Tất cả: 1686453