Tấm lòng của Bác Hồ với thanh niên.
    (Theo Thời Báo VHNT, 26-03-2023) - 1. Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm cũng như những tình cảm đặc biệt dành cho thanh niên, học sinh là thế hệ tuổi trẻ, rường cột tương lai của nước nhà. Trong “Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến” (tháng 1/.1946), Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Không ít những lần khác, Người cũng luôn đặt niềm tin vào thanh niên và khẳng định vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi mới là thanh niên”, “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta phải biết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”. Người đánh giá: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”.

    Không chỉ trong các lời kêu gọi, bài nói chuyện hay tác phẩm chính luận, trong sáng tác văn học Bác Hồ cũng dành cho thanh niên nhiều tình cảm tốt đẹp. Bên cạnh bốn câu thơ “Khuyên thanh niên” (tháng 3/.1951) nổi tiếng “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”, trong nhiều tác phẩm khác, Người thường hướng đến đối tượng thanh niên, học sinh. Trong đó, “Hoan nghênh thanh niên học quân sự” là một trong những bài thơ tiêu biểu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Toàn quốc lần thứ II

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961.

    2. Tháng 7 năm 1941, nhằm động viên thanh niên cả nước nhập ngũ, rèn luyện quân sự, chuẩn bị cho khởi nghĩa toàn quốc giành lấy chính quyền, Bác Hồ viết bài “Hoan nghênh thanh niên học quân sự". Tác phẩm dài 44 câu thơ lục bát, là một trong những bài thơ tuyên truyền đặc sắc trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của Người.

    “Hoan nghênh thanh niên học quân sự” gồm hai phần rõ ràng. 20 dòng thơ đầu, Bác nêu lên nguyên nhân và nỗi đau mất nước. 24 dòng thơ còn lại, người dành để tâm tình, cổ vũ, kêu gọi thanh niên. Qua những dòng thơ đầy trân trọng của Bác, ta còn thấy được tấm lòng của Người đối với thế hệ trẻ.

    Mở đầu bài thơ, Bác nêu lên thực trạng đau đớn, tủi nhục của dân tộc khi mất độc lập, chủ quyền:

    Nước ta đã mất lâu rồi

    Đồng bào cực khổ, suốt đời gian nan

    Suốt đời chịu kiếp lầm than

    Sưu cao thuế nặng, cơ hàn xót xa!

    Tiếp đến, Người nêu ra một loạt câu hỏi với điệp ngữ “vì ai” và chủ động trả lời cho những câu hỏi ấy để tác động trực tiếp đến cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức của thanh niên về hoàn cảnh nước nhà và vận mệnh dân tộc:

    Vì ai tan cửa nát nhà

    Chồng lìa vợ, con lìa cha tơi bời?

    Vì ai non nước rã rời

    Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này?

    Vì giặc Nhật, vì giặc Tây!

    Để tăng sức tác động đến thái độ, tình cảm của đối tượng tiếp nhận là các thế hệ thanh niên, trong những dòng tiếp theo, Bác nêu ra những những mất mát, thiệt thòi, bất công, tủi nhục mà thanh niên phải chịu đựng khi đất nước rơi vào tay quân giặc hung tàn:

    Vì giặc Nhật, vì giặc Tây!

    Thanh niên ta phải thế này gay go

    Hành hành không được tự do

    Học mà mù tối, học cho ngu hèn

    [...] Muốn làm cũng chẳng có công

    [...] Những người không muốn si ngu

    Người giam Hà Nội, kẻ tù Sơn La.

    Kết thúc đoạn thơ đầu, người không quên khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và nhắc lại nỗi ô nhục nước mất nhà tan. Người đặt ra câu hỏi để truy vấn vào cảm xúc của người đọc:

    Nước Nam là nước Nam ta

    Vì ai đến nỗi xót xa thế này?

    Bên cạnh thơ trữ tình và truyện trào phúng, tác gia Hồ Chí Minh còn được biết đến với tư cách là một trong những ngòi bút chính luận kiệt xuất của văn học dân tộc. Tưuy duy sắc sảo trong văn chính luận của Người cũng được thể hiện rõ nét trong thơ, nhất là bộ phận thơ ca tuyên truyền mà “Hoan nghênh thanh niên học quân sự” là một tác phẩm nổi bật. Nhờ đó, thơ của Bác không những có sức lay động triệu tâm hồn mà còn có sức chiến đấu mạnh mẽ. Bác từng quan niệm: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Hiện đại thi trung ưng hữu thiết/ Thi gia dã yếu hội xung phong -– Khán “‘Thiên gia thi”’ hữu cảm) và chính Người đã thực hiện triệt để quan niệm nghệ thuật này qua thực tiễn sáng tạo của mình.

    3. Trong 24 dòng thơ còn lại của tác phẩm, Bác Hồ dành nhiều tâm huyết để kêu gọi, khích lệ, động viên thanh niên. Trước hết, Người đặt niềm tin lớn lao vào thanh niên với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, không ngại gian khổ, không sợ hiểm nguy sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước, lực lượng sẽ gánh vác những trọng trách đất nước và nhân dân giao phó:

    Thanh niên là chủ nước nhà

    Phải cho oanh liệt mới là thanh niên

    Gan phải to, chí phải bền

    Không sợ khổ, không sợ phiền mới nên.

    Để đánh Pháp, Nhật cứu nước, giành lấy độc lập tự do, làm chủ cuộc đời và vận mệnh dân tộc, Bác vạch ra con đường tất yếu cho thanh niên. Đó là học tập để nâng cao tri thức và thành thạo việc quân:

    Muốn đánh Nhật, muốn đánh Tây

    Thanh niên ta phải ra đây học hành

    Một là học việc nhà binh

    Hai là học biết tình hình người ta.

    Đoàn kết là sức mạnh của dân tộc nói chung, của đoàn hội thanh niên nói riêng, là động lực, nền tảng làm nên mọi thành công. Chân lý mà Bác đúc kết qua câu nói nổi tiếng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”, Người gửi gắm đến các thế hệ thanh niên mà mình yêu quý, tin tưởng:

    Anh em đoàn kết vững bền

    Phải nghiêm kỷ luật, phải chuyên tập tành.

    Động viên tuổi trẻ, Bác khuyên dặn một cách ân cần, cặn kẽ, chân thành như lời cha khuyên bảo các con:

    Đối đoàn thể, phải trung thành

    Phải dũng cảm, phải hy sinh mới là

    Ở trong, phải rất thuận hòa

    Ra ngoài, phải nhớ mình là người Nam

    Phải siêng học, phải siêng làm

    Chớ cam thua bạn, không cam kém người

    Người siêng một, mình siêng mười

    Đừng cho thiên hạ chê cười thanh niên.

    Cuối bài thơ, Người nhấn mạnh niềm tin vào sự nghiệp cách mạng nhất định thắng lợi vẻ vang và đặt trọn niềm kỳ vọng lên đôi vai thanh niên là lực lượng nòng cốt gánh lấy nhiệm vụ vinh quang mà Tổ quốc, cách mạng trao phó:

    Mai sau nghiệp học vẹn tuyền

    Đánh Tây, đuổi Nhật giành quyền tự do

    Sự nghiệp này rất là to

    Thanh niên ta phải gắng lo mới thành

    Việt Nam độc lập đồng mình

    Mấy lời thành thực hoan nghênh học trò!

    4. Hướng đến đối tượng thanh niên, học sinh với mục đích cổ vũ, động viên, “Hoan nghênh thanh niên học quân sự” đã thành công với những hình thức thể hiện linh hoạt, phù hợp. Bác chọn thể thơ lục bát dân tộc, sử dụng lời thơ giàu hình ảnh, mang tính khẩu ngữ, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, giọng thơ lúc u uất, căm phẫn, lúc sôi nổi, thiết tha, lúc lắng sâu, tâm tình...

    Nhờ đó, tác phẩm có sức tác động lớn. “Hoan nghênh thanh niên học quân sự” là một trong những bài thơ thành công, tiêu biểu của bộ phận thơ ca tuyên truyền trong di sản văn học phong phú, giá trị, thấm đẫm vẻ đẹp trí tuệ và nhân văn mà Bác Hồ đóng góp vào lịch sử văn học dân tộc và thế giới./.

                                                                                       Bích Thùy

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 3 469
  • Tất cả: 1685481