Bác Hồ tiếp nhận “Truyện Kiều”.
    (Theo Thời Báo VHNT,18-05-2023) - Là nhà văn hóa lớn của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Bác Hồ yêu quý, trân trọng “Truyện Kiều”, đỉnh cao sáng tác của đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tác phẩm kết tinh của truyền thống văn hóa dân tộc. Một trong những biểu hiện rõ nét cho điều này là Bác thuộc lòng hàng trăm câu Kiều; thường xuyên dẫn Kiều, tập Kiều trong các buổi nói chuyện và trong ngôn ngữ sinh hoạt; tiếp nhận “Truyện Kiều” một cách chủ động, hiệu quả trong các tác phẩm của mình.

    Bài viết này bước đầu chỉ ra một số dạng thức cơ bản trong tiếp nhận “Truyện Kiều” của Hồ Chí Minh để qua đó, thấy được sự chủ động, sáng tạo của Bác trong việc học tập, vận dụng “Truyện Kiều” vào tác phẩm của mình. Khảo sát các tác phẩm của Hồ Chí Minh, có thể thấy, Bác thường xuyên lẩy Kiều, tập Kiều với số lượng rất lớn và hình thức đa dạng. Dưới đây là một số dạng thức tiếp nhận “Truyện Kiều” tiêu biểu trong tác phẩm của Bác.

Bác thuộc lòng hàng trăm câu Kiều; thường xuyên dẫn Kiều, tập Kiều trong các buổi nói chuyện và trong ngôn ngữ sinh hoạt.

    Sử dụng nguyên văn, gần nguyên văn câu Kiều

    Đây là phương thức tiếp nhận “Truyện Kiều” phổ biến trong tác phẩm của Bác Hồ. Với phương thức này, có khi Bác sử dụng lại nguyên văn câu Kiều, có khi thêm, bớt vào nguyên văn câu Kiều một vài từ cho phù hợp với mạch tác phẩm. Nhìn chung, việc sử dụng nguyên văn câu Kiều của Bác bao giờ cũng chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Chẳng hạn:

    - Trong các tác phẩm “Việt Nam yêu cầu ca”, “Lịch sử nước ta”, Bác dùng lại nguyên văn câu Kiều thứ 2483: “Trên vì nước, dưới vì nhà”;

    - Mở đầu phần 6 tác phẩm “Đánh du kích như đánh cờ”, Bác sử dụng nguyên văn hai cầu Kiều thứ 2359-2360: “Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt, đời này mấy  gangang”;

    - Trong các bài viết “Điện Biên Phủ” (báo Nhân dân, số 1923, ngày 21.6.1959), “Mừng tết nguyên đán thế nào”? (báo Nhân dân, số 2132, 18.1.1960), “Sẵn sàng giúp đỡ” (báo Nhân dân, 3170, 27.9.1962), Bác sử dụng nguyên câu thơ đầu tiên của “Truyện Kiều”: “Trăm năm trong cõi người ta”; 

    - Trong “Lời chào mừng Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ tại sân bay Gia Lâm” (báo Nhân dân, 3331, 11.5.1963), Bác dùng nguyên văn hai câu Kiều thứ 2281-2282: là “Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai”;

    - Trong bài “Lời tiễn Tổng thống Xucácnô tại sân bay Gia Lâm” (báo Nhân dân, 1932, 30.6.1959), Bác dẫn lại gần nguyên văn hai câu Kiều thứ 2247-2248: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm” (thay từ đã bằng từ trông);

    - Trong bài “Nói chuyện với Đại biểu nhân dân Thủ đô trong cuộc ra mắt của các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa III ở Hà Nội” (báo Nhân dân, 3669, 15.4.1964), Bác dùng gần nguyên văn hai câu Kiều thứ 2875-2876: “Cầm đàn ngày tháng thanh nhàn/ Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao” (thay cụm “cầm đường ngày tháng” bằng cụm “thảnh thơi vui thú”);…

    Trong tác phẩm của Bác còn có nhiều trường hợp như vậy. Bác sử dụng nhiều câu Kiều ở dạng nguyên văn hoặc thay đổi một vài từ. Hầu hết trong các trường hợp này, Bác đều thành công. Những câu Kiều được Bác tập lại đều mang đến cho các tác phẩm, bài viết của Bác nhiều hiệu quả thẩm mỹ đặc sắc, độc đáo.

    Sử dụng một phần câu Kiều

    Bên cạnh dẫn lại nguyên văn câu Kiều, trong các bài viết của mình, Bác còn sử dụng một phần câu thơ Kiều. Đây là phương thức thể hiện rõ nét sự chủ động trong việc tiếp nhận “Truyện Kiều” của Bác. Có hàng chục trường hợp như vậy trong tác phẩm của Bác. Ví như:

    - Trong bài thơ “Ca binh lính”, Bác sử dụng một phần câu Kiều thứ 689 (“Trong tay đã sẵn đồng tiền”) trong câu” “Trong tay đã sẵn súng này/ Quyết tâm đánh Nhật, đánh Tây mới đành”;

    - Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta”, Bác dùng lại một phần của câu Kiều thứ 4 (“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”) trong câu: “Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau/ Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng”;

    - Trong bài viết “Đế quốc Mỹ bi và bí” (báo Nhân dân, 3660, 7.3.1964), Bác sử dụng một phần câu Kiều thứ 2351 (“Nàng rằng: Xin hãy rốn ngồi”) trong câu: “Xin mời Ken hãy rốn ngồi/ Để nghe Giôn kể khúc nhôi đoạn trường”; sử dụng một phần của hai câu Kiều thứ 213 và nguyên văn câu Kiều 214 (“Gió đâu xịch bức mành mành/ Tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao”) trong hai câu kết thúc bài viết: “Bỗng cơn gió xịch bức mành/ Giôn tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao”;

    - Trong bài viết “Mỹ lại thất bại” (báo Nhân dân, 4330, 12.2.1966), Bác sử dụng một phần của hai câu Kiều thứ 2333 (“Vợ chàng quỷ quái, tinh ma”) và thứ 2355 (“Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”) trong hai câu kết thúc: “Giặc Mỹ quỷ quái, tinh ma/ Chiến tranh thủ phạm tên là Giônxơn”;…

    Phương thức sử dụng một phần câu Kiều trong tác phẩm của Bác cũng khá phổ biến. Sử dụng phương thức này, Bác luôn tỏ ra linh hoạt và sáng tạo trong việc học tập “Truyện Kiều”. Nhờ đó, việc tập Kiều, lẩy Kiều của Bác đạt được nhiều hiệu quả quan trọng.

    Mượn ý câu thơ Kiều

Là nhà văn hóa lớn của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Bác Hồ yêu quý, trân trọng “Truyện Kiều”.

    Đây cũng là một phương diện độc đáo trong việc tiếp nhận “Truyện Kiều” của Hồ Chí Minh. Ở một số trường hợp, Bác không dẫn lại nguyên văn hay một phần câu thơ Kiều mà chỉ mượn ý thơ. Lời văn của Bác vì thế vừa gần gũi với “Truyện Kiều” lại vừa thể hiện rõ sự sáng tạo. Ví dụ:

    - Kết thúc tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” (in trong “Hồ Chí Minh - Truyện và ký”, Nxb Văn học, , H., 1985), Bác mượn ý câu Kiều thứ 2643 (“Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”) trong câu: “Trong mười năm ấy biết bao nhiêu tình”;

    - Trong bài viết “Kiều bào yêu nước” (báo Nhân dân, 530, 15.8.1955), Bác mượn ý câu Kiều thứ 890 (“Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người”) và câu Kiều thứ 1788 (“Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”) trong câu: “Gửi thân đất khách quê người/ Nhìn về cố quốc cách vời trùng dương”;…

    Dạng thức mượn ý câu thơ Kiều trong tác phẩm của Bác có số lượng nhỏ hơn một số dạng thức khác. Tuy nhiên, đây lại là dạng thức thể hiện rõ nét cá tính sáng tạo của Bác trong tiếp nhận “Truyện Kiều”. Với dạng thức này, việc học hỏi, vận dụng “Truyện Kiều” của Bác trở nên linh hoạt, đa dạng và hiệu quả hơn.

    Mượn cấu trúc câu thơ Kiều

    Không chỉ mượn lại nội dung câu thơ “Truyện Kiều”, Bác Hồ còn thường xuyên mượn lại hình thức câu thơ Kiều (chủ yếu là cấu trúc câu thơ). Khảo sát các tác phẩm của Hồ Chí Minh, có thể thấy, Bác là một trong những người tiếp thu, sử dụng cấu trúc câu thơ Kiều với số lượng nhiều nhất. Có hàng chục trường hợp cấu trúc câu thơ Kiều được Bác vận dụng vào tác phẩm của mình một cách chủ động, linh hoạt và độc đáo. Chẳng hạn:

    - Trong bài “Quốc tế ca”, Bác mượn lại cấu trúc sạch sành sanh +…+ cho +… của câu Kiều thứ 584 (“Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”) trong câu: “Sạch sành sanh phá cho rồi mới tha” (trường hợp này, bác còn mượn cả nhịp điệu câu thơ Kiều, đúng 100% bằng trắc);

    - Trong bài “Mười chính sách của Việt Minh”, Bác mượn lại cấu trúc một là +…, hai là +… của câu Kiều thứ 2484 (“Một là đắc hiếu, hai là đắc trung”) trong câu: “Một là ích nước, hai là lợi dân”;…

    - Kết thúc bài viết “Một tin tức lạ” (báo Nhân dân, 827, 9.6.1956), Bác mượn lại cấu trúc “Có X mà cậy chi X” của câu Kiều thứ 3247 (“Có tài mà cậy chi tài”) trong câu: “Có tiền mà cậy chi tiền/ Mất tiền mà lại vô duyên lạ đời”;

    - Mở đầu bài viết “Kinh nghiệm đánh Pháp” (chưa xác định được thời gian viết, dẫn theo “Hồ Chí Minh lẩy Kiều”, tr.153), Bác mượn lại cấu trúc Cũng + cụm danh từ 1 + cũng + cụm danh từ 2 của câu Kiều 2140 (“Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người”) trong câu: “Pháp gian cũng như Việt gian/ Cũng đồ bán nước, cũng quân hại nòi”;

    -   Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta”, mượn lại cấu trúc X + càng + động từ + càng đầy của câu Kiều thứ 247 (“Sầu đong càng lắc càng đầy”), Bác lẩy thành: “Tội kia càng đắp càng đầy/ Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”;…

    Dạng thức mượn cấu trúc câu thơ Kiều này xuất hiện rất phổ biến trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh. Ở một số trường hợp, Bác còn mượn cả nhịp điệu của câu thơ “Truyện Kiều”. Điều này nói lên rằng, không chỉ yêu quý, thuộc lòng nhiều câu Kiều, Bác còn là người luôn chủ động, linh hoạt và sáng tạo khi tiếp nhận “Truyện Kiều”. Điều này khiến cho việc vận dụng “Truyện Kiều” vào tác phẩm của Bác không những hiệu quả mà còn trở thành một nét phong cách tiếp nhận độc đáo trong lịch sử tiếp nhận “Truyện Kiều”.

    Dạng thức hỗn hợp

    Sự chủ động, sáng tạo trong tiếp nhận “Truyện Kiều” vào tác phẩm của Hồ Chí Minh không dừng lại ở việc học hỏi, tiếp thu từng phương diện của câu thơ “Truyện Kiều”. Trong một số trường hợp, Bác còn vận dụng một cách tổng hợp nhiều phương diện của câu Kiều. Việc tổng hợp nhiều dạng thứcthực tiếp nhận trong một trường hợp tiếp nhận khiến cho việc tiếp thu “Truyện Kiều” của Bác trở nên độc đáo, mang đậm phong cách cá nhân. Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu của dạng hỗn hợp trong tiếp nhận “Truyện Kiều” của Bác:

    - Mượn cấu trúc + một phần câu Kiều. Chẳng hạn, kết thúc bài viết “Mừng sinh nhật Quân đội nhân dân” đăng trên báo Nhân dân số 296 (ngày 22.12.1954), Bác viết: “Quân ta công trạng lớn lao/ Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình”. Ở trường hợp này, trong câu bát, Bác đã mượn cấu trúc thời gian + biết bao nhiêu tình và một phần của câu Kiều thứ 3070 (“Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình);

    - Mượn cấu trúc + ý thơ của câu Kiều. Chẳng hạn, trong “Lời chào mừng trong buổi đón tiếp vua Lào Xri Xavang Vátthana” đọc ngày 10.3.1963 (đăng báo Nhân dân số 3271, ngày 11.3.1963), Bác viết: “Bức tường nô lệ chắn ngang/ Tuy trong gang tấc, gấp ngàn quan san”. Ở câu bát trong trường hợp này, Bác vừa mượn ý, vừa mượn cấu trúc đối lập của câu Kiều thứ 1938 (“Trong gang tấc, lại gấp mười quan san”). Ngoài ra, Bác còn sáng tạo ở việc khuếch đại sự đối lập bằng cách thay số từ “mười” của Nguyễn Du thành “ngàn” trong câu thơ của mình.

    Nhìn chung, những thể nghiệm về dạng thức hỗn hợp này có số lượng chưa nhiều. Tuy nhiên, đây là một trong hướng tiếp nhận “Truyện Kiều” độc đáo của Hồ Chí Minh. Bởi đây là dạng thức tiếp nhận đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt và tài hoa mà không phải ai cũng có thể thực hiện được.

    Một số suy nghĩ về việc tiếp nhận “Truyện Kiều” của Bác

    Hồ Chí Minh không phải là người tiếp nhận “Truyện Kiều” sớm nhất nhưng Bác lại là một trong những người tiếp nhận “Truyện Kiều” độc đáo, hiệu quả nhất. Nét độc đáo này thể hiện trước hết ở việc số lượng trường hợp tiếp nhận rất lớn và các dạng thức tiếp nhận vô cùng đa dạng, sáng tạo trong các tác phẩm của Bác.

 Tranh minh họa Kim Trọng gặp Thúy Kiều.

    Thật vậy, tiếp cận các tác phẩm của Bác, không khó để nhận ra hàng trăm trường hợp Bác học hỏi, vận dụng từ “Truyện Kiều”. Nhưng không dừng lại ở số lượng, việc tiếp nhận “Truyện Kiều” của Bác còn hướng tới sự chủ động, sáng tạo và hiệu quả. “Cách ‘lẩy Kiều’ của Hồ Chí Minh độc đáo, sáng tạo. Khi thì Người lấy nguyên cả câu lục bát, khi thì ghép một câu lục với một câu bát không gần nhau trong Truyện Kiều, khi thì lấy một cụm từ hoặc thay đổi một, hai từ trong một câu Kiều, có khi chỉ lấy vần điệu, ý thơ, tứtừ thơ…”. Rõ ràng, việc tiếp nhận “Truyện Kiều” của Bác không phải là ngẫu nhiên và không hề bị động. Trái lại, Bác luôn tỏ ra chủ động, làm chủ và hướng tới sáng tạo trong việc học hỏi, vận dụng câu thơ “Truyện Kiều”. Điều này khiến cho việc tiếp nhận “Truyện Kiều” của Bác không chỉ hiệu quả mà còn mang đậm dấu ấn phong cách cá nhân độc đáo của một nhà văn hóa uyên bác, tài hoa.

    Với việc tiếp nhận “Truyện Kiều”, tác phẩm của Bác đạt được nhiều hiệu quả thẩm mỹ quan trọng. “Về phương diện ngôn ngữ, việc Hồ Chí Minh ‘lẩy Kiều’ khi viết, khi nói đã làm cho phong cách văn, thơ của Người thêm trong sáng, dễ hiểu, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, gần gũi với quần chúng nhân dân ta và có sức lôi cuốn, cảm hóa mạnh mẽ người đọc, người nghe”. Đặc biệt, qua việc chủ động học hỏi, tiếp thu “Truyện Kiều,” ta còn nhận ra ở Bác sự quý trọng tác phẩm vĩ đại mà nhà thơ Nguyễn Du để lại cho dân tộc. Hai Danh nhân văn hóa của hai thời đại đã gặp nhau, trước hết từ nhịp cầu văn hóa dân tộc mà “Truyện Kiều” là một đại diện ưu tú.

    Sự tiếp nhận “Truyện Kiều” một cách hiệu quả, độc đáo là minh chứng rõ nhất cho thấy ở Bác Hồ tình cảm yêu quý, trân trọng đối với truyền thống văn hóa của dân tộc mà “Đoạn trường tân thanh” là một đại diện xuất sắc. Đồng thời, đây cũng là bằng chứng nói lên sức sống mãnh liệt của kiệt tác “Truyện Kiều” nói riêng và tinh hoa, mạch nguồn truyền thống văn hóa dân tộc nói chung. Những điều này rất có ý nghĩa đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của chúng ta hiện nay./.

    (Các trích dẫn trong bài viết này đều lấy từ sách Hồ Chí Minh lẩy Kiều của tác giả Nguyễn Đức Hùng, Nxb Thanh niên, H., 2010)./.

                                                                                          Tư Hương

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 44
  • Trong tuần: 3 305
  • Tất cả: 1685716