Hình tượng Bác Hồ trong ca khúc Việt Nam.
   (Theo Thời Báo VHNT, 19-05-2023) - Gắn với sự phát triển của nền ca khúc hiện đại Việt Nam, hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều thế hệ nhạc sĩ. Trên thế giới từng có nhiều lãnh tụ vĩ đại của các dân tộc để lại dấu ấn cho cả nhân loại nhưng không ai có được một khối lượng đồ sộ tác phẩm âm nhạc nói về mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Suốt chặng đường lịch sử kéo dài hơn nửa thế kỷ qua, hình tượng Bác Hồ đã nổi bật, chói sáng trong rất nhiều bài hát. Những nhạc sĩ nổi tiếng có nhiều thành tựu trong sự nghiệp sáng tác hầu như không có ai lại không trăn trở, tư duy viết về Người. Và họ đã để lại những tác phẩm có giá trị nhất góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của công chúng.

    Sau ngày trở về nước qua mấy chục năm bôn ba hải ngoại (1941), Bác đã lãnh đạo dân tộc ta trong phong trào tiền khởi nghĩa dẫn tới Cách mạng tháng 8/1945. Ngay từ những ngày này, một trong những bài hát đầu tiên viết về Người là bài Biết ơn cụ Hồ Chí Minh của Lưu Bách Thụ. Vừa ra đời, bài hát đã được nhân dân đón nhận nồng nhiệt bởi tính quần chúng, dễ hát, dễ thuộc của một ca khúc thuộc thể loại ca khúc quần chúng: “Dân Nam ơi biết ơn cụ Hồ đời đời. Bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh…”.

    Bằng âm nhạc, tác giả đã nêu bật được công đức lớn lao của vị lãnh tụ vĩ đại đối với dân tộc và tình cảm thành kính biết ơn của toàn dân Việt Nam dành cho Người. Chỉ sau đó một thời gian ngắn, trong những ngày đầu nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng cả dân tộc phải đương đầu với kẻ thù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

    Hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại lại hiện ra như một đấng cứu tinh trong những ca khúc của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao (cùng có tên Ca ngợi Hồ Chủ tịch), Tô Vũ: Nhớ ơn Hồ Chí Minh, Vũ Thế Khanh: Người về là chiến thắng. Những bài hát về Bác trong giai đoạn này có chung một đặc điểm là đề cao vị lãnh tụ theo hướng tôn nghiêm, coi Người như vầng thái dương, rất vĩ đại, cao siêu. Cả lời ca lẫn âm điệu đều có hơi hướng Thánh ca - nghĩa là ca ngợi như một vị thánh. Điều này sẽ không còn thấy ở những bài hát ra đời sau đó - từ 1954 trở đi.

    Tiêu biểu nhất cho khuynh hướng trên là bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước. Bài hát cực kỳ ngắn gọn, hàm súc, ở thể một đoạn đơn với âm hình tiết tấu gần như không hề có biến đổi, tiết tấu dàn trải ở nhịp 4/4, âm vực hẹp tiện cho tất cả mọi người có thể hát, đã nhanh chóng có sức lan tỏa rộng rãi ngay từ khi ra đời. Lời ca khái quát cô đọng: “Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi. Toàn Việt Nam đón chào ngày mới. Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta, vững bền tranh đấu cho đời chúng ta…”. Một bài hát ngắn nhưng có giai điệu trang nghiêm, khi hát đồng ca gây cho người nghe cảm giác âm thanh dày, sâu, rất phù hợp với việc ca ngợi một vị lãnh tụ như Hồ Chủ tịch. Có lẽ vì vậy mà bài này đã được coi là Lãnh tụ ca, giống như bài Tiến quân ca của Văn Cao là Quốc ca, bài Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam của Đỗ Minh là Đảng ca.

    Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954, bài hát về Bác Hồ đã bớt dần tính chất Thánh ca như đã nói. Đây là một đặc điểm tâm lý mang tính tất yếu. Bởi ở thời kỳ đầu, lãnh tụ Hồ Chí Minh xuất hiện như một đấng cứu tinh trong suy nghĩ của người dân Việt Nam. Bác chưa có dịp gần gũi mọi tầng lớp nhân dân như về sau này - sau năm 1954. Hai trong số những bài hát hay nhất đã được ra đời trong thời kỳ này: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ và Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường.

    Nếu bài hát của Nguyễn Tài Tuệ khai thác chất dân ca Tày Nùng ở Cao Bằng, diễn tả tình cảm của người dân Việt Bắc với Bác thì bài của Trần Kiết Tường lại sử dụng điệu hò Cần Thơ làm chất liệu chính, biểu hiện lòng biết ơn và tình nghĩa sâu nặng của đồng bào miền Nam dâng lên Người. Cả 2 bài đều do NSND Quốc Hương thể hiện lần đầu tiên trên sóng phát thanh, đem lại hiệu quả đặc biệt. Mãi tới hôm nay, chưa thấy có ai hát hay hơn. Đây là 2 bài hát tuy sử dụng chất liệu dân ca ở 2 địa phương cụ thể nhưng có sức khái quát nhất về việc khắc hoạ hình tượng Bác Hồ trong âm nhạc. Bởi vậy, không khó hiểu khi nó đã có sức sống mãnh liệt suốt hơn 60 năm qua. Có thể nói không người Việt Nam nào lại không biết và ưa thích 2 bài này.

    Ngày 2/9 hằng năm là ngày lễ lớn nhất của dân tộc Việt Nam. Nhưng từ năm 1969 còn mang một mốc lịch sử khác: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đúng ngày thành lập nước. Người ra đi để lại tổn thất nặng nề đối với toàn thể dân tộc. Cú sốc lớn này của người Việt ta đã khiến các nhạc sĩ cho ra đời hàng loạt bài hát xúc động. Có thể nói họ đã khóc Bác bằng âm nhạc.

    Tiêu biểu nhất cho loạt bài này là Người là niềm tin tất thắng của Chu Minh với lời lẽ và âm điệu mang đậm chất bi thương, tưởng niệm: “Đất nước nghiêng mình, đời đời tiếc thương tên Người sống mãi với non sông Việt Nam…”. Giai điệu bài hát đã khiến người nghe xúc động không thể cầm được nước mắt do tác giả đã nói đúng được tình cảm của họ. Cùng lúc này có rất nhiều bài khác đều chung chủ đề tưởng niệm  Bác nhưng chỉ có bài của Chu Minh là sống mãi đến ngày hôm nay, chính bởi các tác giả khác do quá tiếc thương Bác mà đã tạo nên những sáng tác có giai điệu khóc than sụt sùi, bi luỵ. 

    Lại một chi tiết độc đáo nữa liên quan đến lãnh tụ Hồ Chí Minh: Trên thế gian này cũng có nhiều lãnh tụ lớn của nhiều quốc gia, khi từ trần được dân tộc xây lăng tẩm, gìn giữ hài cốt. Nhưng chẳng ở đâu lại có nhiều bài hát liên quan đến lăng như ở Việt Nam, nhạc sĩ nói về lăng Bác: Bên lăng Bác Hồ (Dân Huyền), Vào lăng viếng Bác (Hoàng Hiệp - Hoài Vũ), Chúng con canh giấc ngủ của Người (Nguyễn Đăng Nước), Vầng trăng Ba Đình (Thuận Yến - Phạm Ngọc Cảnh)…

    Nói đến Lăng Bác là nói đến tấm lòng biết ơn, tình nghĩa mặn nồng luôn thường trực trong trái tim mọi người đối với Bác, mặc dù Người đã đi xa. Từ mọi miền đất nước, người dân tìm đến Lăng Bác để kính viếng hương hồn Người giống như việc làm của người Việt Nam thắp hương thờ cúng tổ tiên, ông bà trên bàn thờ Tổ. Chi tiết đó đủ nói lên giá trị thiêng liêng của lãnh tụ trong tâm linh mỗi người dân.

    Viết về Bác, càng về sau, các nhạc sĩ càng có khuynh hướng bớt đi phần ca ngợi theo kiểu trang nghiêm, có màu sắc thánh ca mà thiên về việc bộc lộ tình cảm quyết tâm của các thế hệ thực hiện di chúc, lời dạy và noi theo đức độ, phẩm cách lớn lao của Người. Tính hành động đã thấm đượm trong ý nghĩa ca từ của những bài hát này.

    Các nhạc sĩ đã hóa thân vào các tầng lớp: bộ đội, nông dân, người vùng cao, Tây Nguyên, mọi miền nước nhà mà hát về Bác. Có cảm giác khi nghe những bài hát này như là Bác vẫn còn ở bên ta, giữa lòng ta, vẫn chỉ đạo, dắt tay ta cùng hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề của lịch sử như những năm nào, vẫn cùng các cháu thiếu nhi vui trung thu hàng năm, vẫn chúc Tết giao thừa, vẫn bắt nhịp bài ca kết đoàn. Đó chính là tài năng và cũng là công sức rất đáng ghi nhận của giới nhạc sĩ đã làm cho hình tượng Bác Hồ luôn sống động, vĩnh hằng.

    Trong thành tựu chung, không thể không ghi nhận công sức và hiệu quả đặc biệt của một số nhạc sĩ đã có nhiều bài hát hay về Bác được đông đảo công chúng ưa chuộng: Thuận Yến, Phạm Tuyên, Văn An, Lưu Hữu Phước. Đây là những nhạc sĩ rất nổi tiếng, có những nhạc phẩm có sức sống lâu bền.

    Với một khối lượng đồ sộ và có chất lượng đáng kể, trong đó phải tới cả trăm bài đặc sắc về Bác Hồ, hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta đã hiện ra với tầm cao vĩ đại về trí tuệ, nhân cách, đức độ, nhưng lại giản dị và đặc biệt rất gần gũi với nhân dân. Bác là kết tinh những giá trị văn hoá tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, giữa Người với nhân dân là mối quan hệ gắn bó ruột thịt.

    Chính yếu tố này đã tạo nên uy tín, sức mạnh đặc biệt trong sự nghiệp lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi trong công cuộc giải phóng dân tộc. Về phương diện nghệ thuật, dù bài hát viết cho đơn ca hay hát tập thể, dù chủ thể cảm xúc là “tôi” hay “chúng ta”, luôn mang đậm tính dân tộc trong cấu trúc giai điệu. Âm hưởng dân gian đã toát ra khá rõ ở những bài hát đặc sắc nhất.

    Cùng với chủ đề về Tổ quốc, Đảng, hình tượng Bác Hồ đã tạo nên sức nặng và vẻ đẹp hoàn chỉnh của nền ca khúc Cách mạng Việt Nam. Viết về Người vẫn luôn là nỗi trăn trở, niềm thôi thúc hào hứng đối với mọi nhạc sĩ. Chắc chắn trong tương lai, nền âm nhạc nước nhà sẽ còn tiếp tục ra đời nhiều tác phẩm hay về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, bởi đó luôn là nguồn cảm hứng dồi dào, vô tận của văn nghệ sĩ nói chung, giới nhạc sĩ nói riêng./.

                                                                                        Nguyễn Đình San

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 817
  • Trong tuần: 9 896
  • Tất cả: 1672312