Bao giờ hết cảnh thiếu-thừa?
   (Theo NDO, 02/06/2023) - Một trong tám nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 vừa được Chính phủ ban hành nhấn mạnh nội dung nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng hệ thống này, nhiều năm qua, vẫn là bài toán khó.

    Cơ sở vật chất và bài toán thiếu-thừa

    Những thiết chế văn hóa có hình hài mà "rỗng ruột", thiếu kinh phí duy tu và vận hành, nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu… là thực tế kéo dài nhiều năm ở không ít địa phương.

    Ghi nhận tại một số tỉnh miền núi phía bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng…, chúng tôi nhận thấy một thực trạng phổ biến là nhiều thôn, xóm, bản, làng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới gặp khó khăn trong xây dựng nhà văn hóa cộng đồng vì không có đất, hoặc có đất nhưng không có tiền xây, xây xong rồi thì không còn kinh phí mua sắm trang thiết bị… Ông Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất về đầu tư cho các thiết chế văn hóa nhưng thực tế, vẫn không có nhiều cải thiện. Các nhà văn hóa ở cộng đồng chủ yếu gắn với trụ sở thôn, trang thiết bị thiếu thốn, chủ yếu chỉ có bàn ghế, loa đài…".

    Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, một "điểm nghẽn" về phát huy hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa chính là thiếu những cơ chế, chính sách phù hợp, dẫn đến hệ thống này chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ngành văn hóa tỉnh Hà Giang đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ, thế nhưng chính những người trong cuộc cũng nhận thấy đây là "nút thắt" không thể chỉ ngày một, ngày hai là giải quyết được. Đơn cử, với đặc thù văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại tỉnh miền núi Hà Giang, muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào thì cần có những chính sách hỗ trợ để người dân bảo tồn các làng văn hóa, giữ gìn yếu tố truyền thống trong trang phục, kiến trúc, tiếng nói, chữ viết. "Nếu thiết chế văn hóa xuống cấp mà người dân phải tự khắc phục, tự phục dựng thì rất khó. Khi đó văn hóa truyền thống càng dễ mai một…"- ông Hải nhấn mạnh.

    Tháo gỡ "điểm nghẽn"

    Nhằm thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, cần xác định cụ thể nhu cầu về diện tích và vị trí đất dành cho xây dựng công trình văn hóa; dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình; đối với các khu đô thị mới, ưu tiên bố trí diện tích và vị trí đất cho xây dựng các công trình văn hóa…

    Tuy nhiên, hạ tầng đất đai dành cho thiết chế văn hóa mới là khởi đầu cho chiến lược đầu tư, phát huy hiệu quả của hệ thống này. Câu chuyện đầu tư cho thiết chế văn hóa cơ sở tại tỉnh Ninh Bình có thể được xem như một tham khảo hữu ích cho các địa phương.

    Tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng việc hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng mọi nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa. Ngành văn hóa địa phương luôn nắm bắt, báo cáo thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thường xuyên hoàn thiện, khai thác và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế này.

    Nhờ vậy, toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 1.599/1.679 thôn, xóm, bản, làng, phố, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 95,20%). Các nhà văn hóa cấp thôn, xóm thường có diện tích chung từ 400m2 trở lên, hội trường có sân khấu, sức chứa khoảng 80 chỗ ngồi, đầy đủ bàn ghế cùng trang thiết bị cần thiết như hệ thống âm thanh, chiếu sáng, tủ sách, bộ trang trí khánh tiết, tranh ảnh phục vụ tuyên truyền, các bảng tin, nội quy hoạt động… Sân thể thao đơn giản ở bên ngoài diện tích tối thiểu 250m2. Theo lãnh đạo ngành văn hóa, ở nhiều cơ sở trong địa bàn tỉnh, bên cạnh ưu tiên dành quỹ đất, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ cho xây dựng các nhà văn hóa cấp thôn, xóm, tổ dân phố, còn lại chủ yếu là từ nguồn xã hội hóa huy động nhân dân đóng góp. Chính vì vậy, các chính sách ưu đãi, khuyến khích mọi thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa nói chung, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nói riêng là rất quan trọng, cần phải được xem như giải pháp tháo gỡ mọi "điểm nghẽn"./.

                                                                                        MỘC THANH

 

                                                                                                                                

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 108
  • Trong tuần: 3 563
  • Tất cả: 1685575