Một số nguồn rò rỉ thông tin mật.

    (CAND,  27/03/2024) - Không ai quan tâm đến việc giữ bí mật của mình như các cơ quan tình báo. Tuy nhiên, thời gian trôi đi, và ngày càng có nhiều tình tiết mới về hoạt động của các cơ quan tình báo kín tiếng nhất bị phát hiện. Bài viết sau đây giới thiệu một số nguồn rò rỉ thông tin mật của các cơ quan tình báo trên thế giới.

Bộ luật giải mật

    Phần lớn các nước đều có bộ luật quy định về việc giải mật các tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, thời hạn ở các nước có khác nhau. Ở Mỹ là 25 năm, ở Brazil - 100 năm. Thế nhưng, hầu như ở khắp nơi, bộ luật ấy đều kèm theo một điều khoản, theo đó, một tài liệu có thể được lưu giữ trong kho lưu trữ bao lâu tùy thích, nếu việc công khai nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nhờ kẽ hở đó mà các cơ quan tình báo có thể dễ dàng giấu đi bất cứ tài liệu nào mà họ muốn. Nhưng dù sao vẫn có rất nhiều thông tin mật trước đây đã được công khai hóa.

    Một yếu tố khác mở cánh cửa cho bí mật của các cơ quan tình báo tràn ra ngoài là sự thay đổi mạnh mẽ tình hình địa chính trị ở một nước hoặc khu vực. Chẳng hạn như sự sụp đổ của Liên Xô. Trong những năm 1990, trên các phương tiện truyền thông Nga tràn ngập các thông tin giật gân mang tính chất “tố cáo” hoạt động của KGB và GRU trong thời kỳ đấu tranh chống phong trào Bạch vệ, giai đoạn tập thể hóa, “Đại thanh trừng”, Chiến tranh Vệ quốc, và sau đó là Chiến tranh Lạnh.

    Đồng thời, như nhiều nhà sử học khẳng định, chính trong những năm này, đã diễn ra một quá trình ngược, được kiểm soát bởi các thế lực chính trị nhất định: các kho lưu trữ không những mở ra mà còn nhập vào một số lượng đáng kể các tài liệu giả mạo được chế tác một cách khéo léo, nhằm mục đích bôi nhọ lịch sử Liên Xô.

    Bằng cách này hay cách khác, nhưng trong thập kỷ cuối của thế kỷ XX, nhiều chiến dịch bí mật của các cơ quan tình báo Liên Xô mà trước đây độc giả chưa biết đến, tên tuổi của một số nhân viên tình báo chủ chốt, những anh hùng (và phản anh hùng) trên "mặt trận vô hình” của Liên Xô đã được công khai. Nhưng cửa sổ lưu trữ không mở được lâu; chẳng mấy chốc nó bị đóng sầm lại... gần như kín mít.

    Hồi ký của các nhà tình báo nổi tiếng

    Khoảng 5 năm sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, trên các kệ sách bắt đầu xuất hiện các cuốn hồi ký của các nhà lãnh đạo tình báo ở các quốc gia bại trận Áo-Hungary, Đức, Nga. Cho đến nay, các chuyên gia đánh giá cao cuốn hồi ký “Chiến tranh và hoạt động gián điệp” của Đại tá Maximilian Ronge, sĩ quan tình báo cao cấp của đế quốc Áo-Hung, người từng theo dõi cuộc chiến chống lại tình báo quân đội Nga suốt 11 năm (1907-1918).

    Ngoài ra còn có các cuốn hồi ký của người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Đức, Walter Nikolai “Lực lượng bí mật” và cuốn bút ký của Giám đốc cơ quan phản gián quân sự Quân khu Petrograd, Boris Nikitin, “Những năm định mênh”. Các tác giả đã mô tả tỉ mỉ về cuộc đối đầu giữa các cơ quan tình báo của hai khối quân sự, trình bày chi tiết về các chiến dịch bí mật và phân tích nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ quân chủ hùng mạnh một thời.

    Truyền thống hồi ký văn học tiếp tục phát triển trong những năm 1970-1990

    Năm 1972, Reinhard Gehlen, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức - BND, xuất bản cuốn hồi ký “Tình báo, những hồi ức 1942-1971”. Dưới thời Đức Quốc xã, Thiếu tướng Gehlen chỉ huy hoạt động tình báo của Bộ Tổng tư lệnh Lục quân Đức (Wehrmacht) tại mặt trận Xô-Đức.

    Dưới sự lãnh đạo của Gehlen, BND đã trở thành một cơ quan tình báo hùng mạnh và tiến hành các hoạt động tình báo bên ngoài Cộng hòa Liên bang Đức. Từng đối mặt với nhiều nhà lãnh đạo tình báo nổi tiếng, trong cuốn sách của mình, Gehlen thừa nhận Wilhelm Canaris, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự và phản gián Đức Quốc xã, và Allen Dulles, cựu giám đốc CIA, là những nhà tình báo xuất sắc nhất trong số đó.

    Thật dễ hiểu vì sao tác giả không đưa đối thủ truyền kiếp của mình, nhà lãnh đạo tình báo đối ngoại kiệt xuất của CHDC Đức, Markus Wolf, vào danh sách này. Giống như Gehlen, Wolf cũng sáng lập ra một cơ quan tình báo từ số 0, chỉ có điều ông được  dẫn dắt bởi những nguyên tắc khác, và cuộc đời ông cũng hoàn toàn khác. Lúc đầu, hoạt động dưới sự bảo trợ của tình báo Liên Xô (trong những năm này Gehlen được coi là nhân viên CIA), Wolf đã dựng lên một tổ chức có tính chuyên nghiệp cao, hiệu quả và thường vượt qua BND. Chỉ cần nói rằng các điệp viên của Wolf đã thâm nhập vào giới thân cận của Thủ tướng Đức, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức, văn phòng đại diện Tây Đức ở NATO, và thậm chí cả chính BND.

    Năm 1997, nhà tình báo huyền thoại xuất bản cuốn hồi ký “Người đàn ông không lộ diện” kể về những bí mật của Bộ An ninh Quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức (Stasi) và vai trò cá nhân của ông trên mặt trận “cuộc chiến bí mật”. Cuốn sách ngay lập tức được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, nó lập tức trở thành sách bán chạy.

    Nhìn chung, trong những năm 1990, đã xuất hiện hồi ký của nhiều nhà tình báo Liên Xô nổi tiếng. Có lẽ, được quan tâm nhiều nhất là hai cuốn hồi ký của nhà tình báo Liên Xô cự phách Pavel Sudoplatov, “Tình báo và Điện Kremlin”, và “Các chiến dịch đặc biệt”.

    Các cuốn hồi ký: “Chuyện riêng” của Vladimir Kryuchkov, “Cuộc đời của một lãnh đạo tình báo” của Leonid Shebarshin, “Hành trình đến tận cùng đêm tối” của Dmitry Bystroletov, “Bây giờ tôi có thể nói ra sự thật” của Zoya Voskresenskaya và nhiều cuốn khác cũng được độc giả đón nhận nhiệt liệt.

    Mặc dù trích dẫn rất nhiều sự kiện, các tác giả của những cuốn hồi ký kể trên, ngay cả trong lĩnh vực văn học, vẫn là những nhân viên tình báo đích thực, họ thận trọng cung cấp thông tin và không nhắc tới một cái tên hay sự kiện nào vẫn còn phải giữ bí mật. Nhưng có vẻ như làn sóng những cuốn sách như vậy cũng đã lắng xuống.

    Lời khai của những kẻ đào tẩu

    Một nguồn rò rỉ thông tin mật khác là những kẻ đào tẩu, điệp viên hai mang, những kẻ bất đồng chính kiến, thoái hóa, phản bội, phiêu lưu và thích kiếm tiền dễ dãi. Chuẩn bị đào tẩu sang phía đối lập, chúng nhận thức rõ rằng thông tin mà chúng cung cấp cho đối phương càng giá trị bao nhiêu thì chúng càng được đối xử tử tế bấy nhiêu.

    Một trong những kẻ đào tẩu tiêu biểu nhất là Vasily Mitrokhin, nhân viên phòng lưu trữ của KGB. Nhiều năm liền, lợi dụng vị trí công tác của mình, y đã chép tay hàng ngàn tài liệu mật và tìm cách mang ra ngoài trạm kiểm soát. Mitrokhin giấu những tờ giấy viết tay tại nhà nghỉ ngoại ô của mình.

    Năm 1992, Mitrokhin, lúc ấy đã nghỉ hưu, cho rằng thời điểm thích hợp để chuyển thông tin đánh cắp cho một trong những cơ quan tình báo hàng đầu của phương Tây đã đến. Cuối cùng, y đã đạt được thỏa thuận với cơ quan tình báo MI.6 của Anh. MI.6 đã tổ chức đưa Mitrokhin cùng gia đình và “chiến lợi phẩm” của y ra nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay sự kiện này vẫn còn được giữ bí mật.

    6 năm liền, người Anh kiểm tra những trang chữ viết tay ngoằn ngoèo của Mitrokhin dựa trên cơ sở dữ liệu của mình, sau đó, đến lượt mình, họ giấu kín những thông tin thu được. Chỉ sau đó, Mitrokhin mới được phép viết chung với nhà sử học tình báo Anh Christopher Andrew cuốn sách “KGB ở châu Âu và phương Tây”, xuất bản năm 1999. Đồng thời, ấn phẩm này được xuất bản tại Mỹ với nhan đề “Thanh kiếm và lá chắn”. Tập hai là “Kho lưu trữ của Mitrokhin” với phụ đề “KGB và thế giới” xuất hiện vào năm 2005, sau cái chết của kẻ đào tẩu.

    Quả thật, độc giả phương Tây có phần thất vọng về hai cuốn sách này. Cả hai đều chứng minh những sự thật mà giới tình báo phương Tây đã biết ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình báo Anh chỉ giải mật không quá 3% nội dung các tài liệu của Mitrokhin. Vì lý do nghề nghiệp, MI6 giữ kín phần thông tin chủ yếu, đặc biệt là những bí mật chính của các điệp viên Nga, và có lẽ còn lâu họ mới công bố những thông tin này.

    Những thất bại tai tiếng

    Đôi khi, thế giới biết đến bí mật của các cơ quan tình báo nhờ những thất bại tai tiếng nào đấy của các chiến dịch bí mật. Năm 1978, theo đơn đặt hàng của cơ quan tình báo Bulgaria, các nghệ nhân Liên Xô đã làm một chiếc ô đặc biệt, với sự trợ giúp của nó có thể tiêm một viên nang chứa chất độc ricin vào cơ thể nạn nhân. Người đầu tiên bị tiêm chất độc bằng ô vào bắp đùi là nhà văn ly khai Bulgaria Georgy Markov ở London. Nhưng điệp viên được giao nhiệm vụ thực hiện công việc thiếu kỹ năng phù hợp. Vì vậy, Markov không những cảm nhận được sự đau đớn mà thậm chí còn kịp quay lại và nhớ mặt  người đã dùng ô đâm vào mình. Hơn nữa, sau khi gặp các bác sĩ, nhà văn đã thông báo với họ về vụ đầu độc.

    Khi khám cho nạn nhân, các bác sĩ phát hiện ra một vết tiêm trên bắp đùi và một viên nang nhỏ ở trạng thái gần phân hủy dưới da. Tuy nhiên, họ không thể cứu được Markov. Nhưng “vũ khí bí mật” mới của khối XHCN Đông Âu đã không còn là bí mật nữa.

    Hai thập kỷ sau, tháng 9/1997, tại thủ đô Amman của Jordan, một chiến dịch đặc biệt mà cơ quan tình báo Israel MOSSAD  chuẩn bị rất công phu đã thất bại. Một nhóm 6 điệp viên giàu kinh nghiệm đã đến đây với nhiệm vụ thủ tiêu  Khaled Mashal, người đứng đầu Bộ Chính trị HAMAS, “bị tuyên án” vì đã tổ chức vụ đánh bom ở Jerusalem.

    Chiến dịch được dự định thực hiện “trong im lặng”, để nạn nhân chết một cái chết tự nhiên. Chất độc, được bào chế trong một phòng thí nghiệm sinh hóa bí mật, tác động theo cách ban đầu nạn nhân  bất tỉnh, sau đó hôn mê và vài ngày sau thì tử vong.

    Do sơ suất trong khi thực hiện nhiệm vụ, các điệp viên đã bị các cộng sự của Khaled Mashal phát hiện, truy đuổi và gọi cảnh sát Jordan giúp đỡ. Ngay lập tức, các điệp viên bị bắt giữ. Tại đồn cảnh sát, người ta phát hiện ra họ mang hộ chiếu giả Canada.

    Vua Jordan tức giận tuyên bố rằng nếu Mashal không hồi phục thì các điệp viên Israel sẽ bị xét xử theo luật pháp nước này, nghĩa là bị hành quyết công khai bằng cách treo cổ.

    Tình báo Israel buộc phải cứu kẻ thù của mình với sự trợ giúp của thuốc giải độc, đồng thời phải đưa ra một số nhượng bộ khác. Vụ xì-căng-đan này gây chấn động ở nhiều nước và được bình luận nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

Trần Đình

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 940
  • Tất cả: 1686612