Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên.

   (Thời Báo VHNT, 09-05-2024) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 70 năm, nhưng những sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn còn vang vọng mãi với non sông đất nước, là niềm tự hào của con dân nước Việt. Đọc lại những trang hồi ký của các cựu chiến binh, chúng ta càng thêm xúc động trước những câu chuyện thú vị của một thời oanh liệt. Và theo năm tháng những con người nhân chứng lịch sử này đã lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những khó khăn, gian khổ, những giây phút chiến đấu ngoan cường và cả thời khắc chiến thắng vui như hội đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai mờ đối với các cựu chiến binh Điện Biên Phủ.

    Hàng năm cứ mỗi dịp tháng 5 về, những hình ảnh hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ ùa về trong ký ức của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đó là ông Đào Xuân Thực hiện sống trong một ngôi nhà nhỏ nằm cuối hẻm sâu, đường Phan Thanh Giản, phường Thạc Gián, TP Đà Nẵng. Ông là tổ trưởng Tổ thọc sâu, thuộc Đại đội Tô Văn nổi tiếng của Đại đoàn Quân Tiên phong 308.

    Đã 70 năm trôi qua, thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng những gì liên quan đến Điện Biên Phủ, ông vẫn nhớ như in, dường như không quên bất cứ một chi tiết nào. Ông nhớ từng sa bàn, nhớ từng sự kiện, những lần đứng dưới lá cờ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền mệnh lệnh chiến đấu cho Đại đoàn 308. Ông kể: “Mở đầu chiến dịch chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh đồi Độc Lập và đã giành thắng lợi, nhưng hy sinh cũng lắm, máu nhuộm đỏ cả chiến hào. Tiếp đó đánh chiếm cứ điểm Căng A lớn, Căng A con và bao vây Bản Kéo... Có đêm đào chiến hào dưới ánh pháo sáng rực trời của Pháp. Lính Pháp tổ chức phản kích với gần chúc xe tăng, chúng tôi nấp dưới chiến hào, chờ chúng đến gần là tung thủ pháo, xe tăng đứt xích, lính Pháp hoảng loạn rút chạy”.

anh tin bai

Thượng tướng Hoàng Cầm và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu QĐND.

    Còn Đại tá Đỗ Thanh Hưng nay bước sang tuổi 89, nhưng chất lửa Điện Biên Phủ vẫn rực sáng trong ánh mắt với nụ cười, giọng nói truyền cảm của người dân xứ Thanh. Đại tá bùi ngùi nhớ lại: “Tiểu đội tôi thuộc Đại đội 60, Đại đoàn 304, được giao đánh chiếm cứ điểm Hồng Cúm, người đồng đội cùng quê thân thiết của tôi là Nguyễn Việt Thanh hy sinh. Trước khi trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay tôi, người đồng đội rút chiếc khăn ‘mu-xoa” nhờ tôi chuyển tận tay người con gái tên Thơm ở Thanh Hóa. Thắng trận tôi trở về quê tìm gặp, cô Thơm đau đớn nhận kỷ vật của mối tình đầu. Từ đó tôi đổi tên lót của mình là Ngọc Hùng sang Thanh Hùng...”. 

    Song kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời ông chính là những ngày kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra. “Dốc tời bảy”, là cái tên đơn vị ông đặt cho con dốc dài, cao chất ngất, nên đã phải dùng đến 7 dây tời mới kéo pháo lên được. Ông nói: “Đơn vị tôi có đồng chí Trần Văn Giá, cũng dũng cảm như liệt sỹ Tô Vĩnh Diện. Khi thấy dây tời đứt, đồng chí đã lao vào ghìm khẩu pháo và hét to: “Các đồng chí không cho rơi pháo”, nhờ vậy, chúng tôi giữ được pháo và tính mạng của đồng đội”.

    Cựu chiến binh Nguyễn Quang Phiệt, năm nay bước sang tuổi 95, nhưng đến ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì những hình ảnh Điện Biên Phủ ùa về trong ký ức của ông, người con xứ Nghệ, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu. Nguyễn Quang Phiệt trầm ngâm kể: “...Trận tuyến giữa ta và địch ở đồi Độc Lập diễn ra rất ác liệt, địch cố thủ trong boongke bê tông cốt thép, dùng hỏa lực mạnh bắn như vãi đạn, khiến bộ đội ta bị thương vong nhiều. Đường tiếp cận duy nhất của quân ta là đào giao thông hào tiến dần vào cứ điểm của giặc. Đây là công việc vô cùng khó khăn, vất vả. Dụng cụ đào bới, chủ là cuốc chim và xẻng gấp thô sơ, nên tiến độ đào hào rất chậm. Đơn vị tôi là đơn vị tiền tiêu, chỉ cách địch 500m, nên đơn vị vừa đào hào vừa chiến đấu...”.

    Ông nhớ lại cái khoảnh khắc đêm 6/5/1954, trước khi quân ta cho kích nổ khối bộc phá gần 100kg, tại đồi A1, tiêu diệt gọn một đại đội địch, góp phần làm nên chiến thắng ngày 7/5/1954, ông bồi hồi nhắc lại: “Chiều tối 7/5/1954, ta bắc loa kêu gọi địch đầu hàng, nhưng chúng không những không hàng mà còn chống trả quyết liệt, khi đó chỉ huy chiến trường lệnh cho pháo binh bắn cấp tập, đồn bốt nó tung tóe. Lúc đó chúng tôi được lệnh xung phong, mỗi anh một súng trường, nhảy lên khỏi chiến  hào truy kích địch”.

    Riêng cựu chiến binh Lê Công Cương hiện ở Khối 5, thị trấn Diễn Châu, Nghệ An, đang học Trường Quân dược Việt Nam, được lệnh biên chế về Quân y Sư đoàn 316, được giao phụ trách dược chính Trung đoàn 176, ngoài ra còn làm thêm nhiệm vụ trợ chiến, chặn quân tiếp viện, nghi binh tiền trạm, mở đường, thu dọn chiến trường, ông chia sẻ: “Tôi thuộc quân chủng quân y, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho mặt trận bất cứ ở đâu, trên ra lệnh là phải đi ngay, dù phải qua nhiều chặng đường nguy hiểm, máy bay địch ném bom, pháo địch đánh chặn..., tôi phải đến ngay mặt trận, nơi quân ta và quân Pháp đối mặt nhau, nhiều phen suýt chết”.

    Ông Cương còn kể về những thời khắc bộ đội ta ngày đêm vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men,... ăn đói, mặc rét, cái chết luôn cận kề, những lúc đối đầu với giặc, nhưng tinh thần chiến đấu thì hừng hực khí thế kiên cường, vì mục đích cao cả là quyết tâm giành thắng lợi tại Chiến dịch Điện Biên Phủ.

    Người trẻ nhất trong số 29 cựu chiến binh đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng là chiến sỹ Lê Thế Hân, năm nay ở tuổi 87. Ông tâm sự: “Ngày ấy dân xứ Thanh chúng tôi tự nguyện “dốc bồ, thổ thúng” nhiều gia đình ăn ngô, khoai, sắn thay cơm để dành gạo cho tiền tuyến”. Đầu năm 1953, chưa đầy 16 tuổi, ông lén giấu cha mẹ đi thanh niên xung phong, vì chưa đủ tuổi đi bộ đội. Nhiệm vụ đầu tiên của Đại đội 290 của ông là gánh gạo từ Thanh Hóa lên Lai Châu. Mỗi người gánh hai bồ gạo, mỗi bồ 20kg. Lương thực ăn đường là cơm nắm muối lạc. Để tránh máy bay giặc, ngày nghỉ đêm đi.

    Bước vào chiến dịch, đơn vị ông nhận cõng, thồ, vũ khí ra chiến trường và chuyển thương binh về tuyến sau. Nhiều thương binh còn rất trẻ mới 18 đôi mươi, băng bó khắp người, hễ mỗi lúc lên dốc, lội suối, hoặc chạy tránh máy bay địch, toàn thân thương binh bị rung lắc mạnh, máu tứa ra ướt sũng, thương lắm! Đơn vị ông nhiều người hy sinh vì bom đạn giặc, phần vì sốt rét rừng. Ông nhắc đến những câu thơ:

    “Dốc Pha Đin, chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát.” Của nhà thơ Tố Hữu, chính là nói về đơn vị ông.

    Đặc biệt đọc trang nhật ký Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ do Thượng tướng Hoàng Cầm kể (lúc đó ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Đại đoàn 312), nhà văn Văn Phác ghi. Chuyện kể rằng:

    Một hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm đơn vị, Đại tướng bất ngờ hỏi:

    - Ở mặt trận anh em thiếu gì nhất?

    Tôi ngẫm nghĩ kể ra cái gì cũng thiếu, biết nói cái gì là “nhất” cho đúng. Sau sực nhớ lại những lần đồng chí Chính ủy Đại đoàn Trần Độ xuống thăm đơn vị, các chiến sĩ chỉ vòi thuốc lào, nên tôi liền đáp:

    - Thưa anh, anh em đang thiếu thuốc lào nhất.

    Anh Văn cười:

    - Sắp có đấy, đang đến gần rồi”.

anh tin bai

Thượng tướng Hoàng Cầm. Ảnh tư liệu

    Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm dẫn đầu Đoàn Chiến sỹ thi đua của Chiến dịch Điện Biên Phủ về Việt Bắc báo cáo thắng lợi với Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Ông kể:

    “Tôi vui sướng và thực sự hồi hộp:

    - Báo cáo Bác cháu phụ trách Đoàn Chiến sỹ thi đua từ mặt trận Điện Biên Phủ về  chúc mừng sinh nhật Bác...

    Bác hỏi:

    - Các chú trên đó có đói không?

    - Báo cáo Bác không đói nhưng thiếu ạ!

    Bác hỏi tiếp:

    - Có khổ không?

    Anh Nguyễn Chí Thanh đang đứng gần, vui vẻ nhắc tôi “Cứ nói thật với Bác là khổ lắm!

    - Báo cáo Bác, có khổ ạ!

    Bác liền xen vào:

    - Các chú có thuốc lào hút không?

    - Báo cáo có ạ!”

    Đọc qua đôi dòng hồi ký của Thượng tướng Hoàng Cầm đủ cho thấy: thuốc lào chỉ là một vấn đề rất nhỏ trong đời sống của người lính trên chiến trường (bởi họ là những nông dân lần đầu tiên mặc áo lính), thế mà không chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cả Bác Hồ đều rất quan tâm, nếu là việc lớn chắc chắn Quân ủy Trung ương, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ còn lo lắng quan tâm bội phần./.

Trần Mạnh Thường

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 369
  • Tất cả: 1687856