Kỷ niệm 110 năm ngày sinh họa sĩ Lương Xuân Nhị (10/4/1914 – 10/4/2024).

   (Thời Báo VHNT, 13-04-2024) - Họa sĩ Lương Xuân Nhị - gương mặt quan trọng của lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Lương Xuân Nhị (1914 – 2006) là họa sĩ - giáo sư nổi tiếng với những bức chân dung thiếu nữ và phong cảnh, sinh hoạt mang vẻ đẹp bình dị, đằm thắm của tâm hồn Việt Nam.

    Họa sĩ Lương Xuân Nhị sinh ngày 10-4-1914 tại Hà Nội trong một gia đình bán họa phẩm, từ nhỏ ông đã ham thích và say mê hội họa. Vẻ đẹp của những con phố, nét đẹp thanh tú của các cô gái Hà thành luôn cuốn hút tâm hồn người nghệ sĩ trong ông. Lương Xuân Nhị rất thành công trong mảng tranh vẽ thiếu nữ và chân dung thiếu phụ trẻ nên ông được coi là họa sĩ của phái đẹp, người yêu hội họa có câu: "Phố Phái - Gái Nhị" để nói về tranh của ông.

anh tin bai

Hoạ sĩ - Nhà giáo nhân dân Lương Xuân Nhị.

    Hàng trăm người mẫu với những nét đẹp khác nhau đã làm nên gia tài chân dung thiếu nữ đồ sộ hiếm có của Lương Xuân Nhị. Rất nhiều người đẹp Hà thành muốn được làm người mẫu cho ông vẽ, họ muốn lưu dấu những nét đẹp xuân sắc nhất trong tranh của danh họa. Chất dung dị, đậm sâu cái đẹp hồn cốt Á Đông xưa đã làm nên giá trị trong tranh Lương Xuân Nhị. Chính vì thế, tranh thiếu nữ của ông vô cùng đắt khách, nhiều bức tranh chưa ráo mực đã có người đợi lấy. Vì người mua "mến chuộng nét đẹp trang nhã, hồn hậu và chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam" qua nét vẽ của ông. Hiện các bức tranh về thiếu nữ Hà Nội của ông lưu lạc trong dân gian, chúng có số phận đặc biệt trôi nổi theo những chủ nhân của chính nó.

anh tin bai

“Chợ hoa đào”, tranh lụa vẽ năm 1985, Lương Xuân Nhị.

anh tin bai

Bức tranh “Cô gái bên hoa cúc”.

anh tin bai

“Thiếu nữ bên hoa sen” (sơn dầu, 1940) - tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

    Ngoài mảng tranh về phụ nữ, họa sĩ Lương Xuân Nhị còn thành công ở nhiều đề tài khác. Đáng kể nhất là mảng tranh phong cảnh, họa sĩ đã đạt những thành tựu lớn. Đến nay người xem vẫn nhớ đến các tác phẩm của ông như: "Nghỉ chân bên bờ suối" (Lụa-1936); "Quán nước ven đường" (Lụa-1937); "Khóm tre bên cầu" (sơn dầu-1938); "Gia đình thuyền chài" (Lụa-1938); "Cô gái và nón bài thơ" (Lụa-1940); "Đồi cọ" (Sơn dầu-1957)… Trong đó, phần lớn đã được các nhà sưu tầm và một số bảo tàng trong và ngoài nước lưu giữ.

anh tin bai

Bức tranh "Nghỉ chân bên bờ suối".

anh tin bai

Bức tranh “Đồi cọ”

    Tên tuổi của họa sĩ Lương Xuân Nhị không chỉ “vang bóng” trong những câu chuyện về một thế hệ họa sĩ làm rạng danh cho nền mỹ thuật Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nam Sơn, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu… Tên ông cũng không chỉ được nhắc nhớ trong ngôi nhà 29 phố Cửa Nam (Hà Nội) với nhiều kỷ vật đang được con trai ông coi sóc mà còn xuất hiện trên nhiều sàn đấu giá tranh quốc tế với những bức tranh mang hồn cốt Việt. Tháng 4-2019, tác phẩm “Xưởng thêu” (L’atelier de broderie) của họa sĩ Lương Xuân Nhị gây được tiếng vang lớn khi nhà đấu giá Aguttes đưa lên sàn đấu giá tại Paris, Pháp. “Xưởng thêu” đạt mức giá 526.760 euro, bất ngờ lớn so với mức giá được dự đoán ban đầu là cỡ 50.000 - 80.000 euro. Vài tháng sau, một bức tranh khác là “Làng Bắc Bộ” (Village du Haut Tonkin) vẽ năm 1939, bức tranh sơn dầu lớn nhất của họa sĩ Lương Xuân Nhị (274 x 327cm) cũng đã được gõ búa với giá 215.000 usd tại Nhà đấu giá nghệ thuật Aguttes, Paris, Pháp.

    Lương Xuân Nhị là một trong những họa sĩ vẽ sơn dầu đầu tiên của Việt Nam. Các tranh sơn dầu và lụa của ông đầy tinh thần Phương Đông. Ông từng nói: "Ta (họa sĩ Việt Nam) học theo Âu châu, cách vẽ, cách diễn tả hình khối, ánh sáng, màu sắc theo hiện thực trước mắt đã ăn sâu vào mình khi được đào tạo (ở Trường Mỹ thuật Đông Dương)… Nghệ thuật phương Đông lại bỏ chi tiết, chỉ diễn tả hình sắc theo cách nhìn chủ quan của người họa sĩ. Nắm bắt thần thái của cảnh và người." Họa sĩ Lương Xuân Nhị thích những phối sắc êm dịu phong phú của màu xanh ở chính trong thiên nhiên và đưa nó vào trong tranh “Phong cảnh nông thôn”, “Đồi cọ”...v.v.. nên đã có người gọi ông là “họa sĩ của màu xanh”.

    Năm 1942, họa sĩ Lương Xuân Nhị đi Nhật, nhiều tác phẩm của ông về thiếu nữ và phong cảnh Nhật đã được đánh giá cao về màu sắc, bút pháp. Từ năm 1955 tới năm 1981, ông là giảng viên ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm của ông được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng ở Paris, New York, Tokyo và ở nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Ghi nhận những đóng góp của ông, năm 1990 họa sĩ Lương Xuân Nhị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001) và có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam./.

Hằng Thi

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 376
  • Tất cả: 1686827