Ninh Thuận: Độc đáo ngôi đình cổ người Việt xây dựng để thờ vua Chăm.

      (VHO, 17/4/2024) - Ngôi đình Đắc Nhơn - Di tích lịch sử quốc gia tai thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận được người Việt xây dựng từ năm 1789 để thờ vị vua Po Klong Garai người Chăm có công dẫn thủy nhập điền, phát triển kinh tế- xã hội, nhân dân trong vùng có cuộc sống no ấm.

anh tin bai

Di tích lịch sử quốc gia đình Đắc Nhơn tại thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận 

    Kiến trúc độc đáo giao thoa văn hóa Việt – Chăm

    Những ngày này, chúng tôi đến thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ngôi đình cổ  Đắc Nhơn 233 năm tuổi do người Việt Xây dựng.

    Tại đây, ông Trần Việt Hùng, Trưởng ban quản lý đình Đắc Nhơn cho biết, đình Đắc Nhơn được xây dựng vào cuối Thế kỷ XVII, nhằm triều đại Tây Sơn năm thứ 1, tức năm Kỷ Dậu (1789) do một vị tu sĩ phật giáo Liễu Minh (tự là Đức Tạng) vận động người dân trong vùng chung tay xây dựng.

    Lúc mới xây dựng, đình Đắc Nhơn chỉ là một ngôi miếu nhỏ mang tên “Đắc Nhơn Từ Miếu” thờ vua Po KLong Grai. Vào năm 1852, có nhóm thợ người Bình Định đang trùng tu chùa Thiền Lâm được người dân thôn Đắc Nhơn mời đến để trùng tu, nâng cấp đình Đắc Nhơn. Trong các năm 1963, 2013 và 2016 đình Đắc Nhơn tiếp tục được tu bổ, chỉnh sửa. Nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên hình mẫu ban đầu.

    “Các vật liệu từ gỗ dùng để xây dựng đình hầu như không bị mối mọt dù đã trải qua mưa nắng và 233 năm thăng trầm của thời gian”, ông Hùng cho biết.

anh tin bai

Đình Đắc Nhơn có kiến trúc cổ kính cột gỗ, mái ngói kết hợp giao thoa giữa văn hóa Việt- Chăm rất độc đáo

     Đình cổ Đắc Nhơn hiện nay tọa lạc trên khu đất hơn 1.300 m2 bao gồm 3 gian chính với kiến trúc mang dáng vẻ của một ngôi nhà truyền thống của người Chăm.

    Toàn bộ kiến trúc chính của đình được xây dựng bằng các cột gỗ vững chãi, mái lợp ngói. Ở phần tiền đường có hệ thống 16 cột gỗ to lớn gắn kết với 8 kèo gỗ phía trên được điêu khắc tinh xảo theo đường nét văn hóa Chăm xưa.

    Phần chính nơi thờ thần hoàng của đình Đắc Nhơn gồm tiền đường, hậu tẩm rồi đến cổ lầu. Trong đó, cổ lầu nằm ở vị trí trên cao, cách biệt với gian thờ bằng tấm ván gỗ kết lại như biểu tượng cho bầu trời trong văn hoá Chăm. Đây là nơi lưu giữ các vật phẩm mang giá trị văn hóa, lịch sử của đình Đắc Nhơn.

    Phía bên trái của phần chánh điện là nhà tiền hiền, được xây dựng để thờ cúng các bậc cao niên lão làng và những vị ân nhân có công lập làng, đóng góp xây dựng vào sự phát triển đình Đắc Nhơn. Và gian cuối ở phía sau đình là nhà trù (nhà bếp) nơi người dân thực hiện các công việc hậu cần, nấu nướng để chuẩn bị cho mỗi dịp thờ cúng tại đình.

anh tin bai

Cổng đình Đắc Nhơn có chạm khắc hình rồng trong văn hóa của người Việt

    Mái đình đã sau nhiều lần tư bổ vẫn còn nhuốm màu rêu phong, cổ kính,  và độc đáo với kiến trúc trang trí lạ mắt thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm thông qua hình ảnh những linh vật như rồng, hổ và cá chép trên mái đình và cả những nét chạm trổ, điêu khắc trên các cột gỗ ở công trình kiến trúc tôn giáo đình Đắc Nhơn.

    Đình người Việt thờ vị vua Chăm

    Theo các bậc cao niên ở làng Đắc Nhơn kể lại, đình Đắc Nhơn có mối liên hệ và gắn bó mật thiết với chùa Thiền Lâm vì cả 2 đều được hòa thượng Liễu Minh (Tự Đức Tạng) kiến thiết và xây dựng. Đây là người có công đầu tiên trong việc xây đình và quy tụ người dân.

    Đây được xem là điều “xưa nay hiếm” vì hầu như chưa có vị tu sĩ phật giáo nào xây dựng đình để thờ vua Po Klong Garai của người Chăm và coi đây là vị Thành Hoàng của đình và của làng Đắc Nhơn.

    Theo Thượng tọa Thích Hạnh Tú, trụ trì chùa Sắc Tứ Thiền Lâm ngày nay cho biết, xuất phát từ tinh thần nhập thế linh hoạt của phật giáo để hóa độ chúng sinh và từ thực tế địa phương lúc bấy giờ từng là nơi trung tâm hành chính của văn hóa Chămpa, có sự giao thoa văn hóa Việt-Chăm rất độc đáo nên Tổ Liễu Minh đã xây dựng đình Đắc Nhơn để ổn định lòng dân và từ đó đình Đắc Nhơn cũng trở thành “dấu ấn” đặc biệt thể hiện sự độc đáo đó qua việc thờ cúng vị vua  Po Klong Garai của người Chăm và coi đây là vị Thành Hoàng.

anh tin bai

Dâng hương tại đình Đắc Nhơn

    Ngoài ra, nhân dân thôn Đắc Nhơn còn lưu truyền câu chuyện rằng, xưa kia vua Po Klong Garai của người Chăm là người có công trong dẫn thuỷ nhập điền, nhờ đó dân làng Đắc Nhơn nói riêng mới có điều kiện khai khẩn đất hoảng, phát triển sản xuất nên người làng Đắc Nhơn thờ phượng ngài để cầu mong sự bình an, sung túc, lúc gặp hoạn nạn cầu mong ngài phù hộ và che chở.

    Theo ông Phạm Chí Mạnh, Phó ban lễ nghi đình Đắc Nhơn cho biết, ngày nay mọi sinh hoạt thờ cúng tại đình vẫn gắn kết chặt chẽ với ngôi chùa Thiền Lâm, đặc biệt là vào các dịp lễ cúng lớn của đình như vào ngày 10/3 âm lịch.

    “Vào ngày này, các bô lão trong làng thường đến thỉnh chư tăng chàu Thiền Lâm đến tụng kinh cầu nguyện, trước khi cử hành lễ tế thần vào sáng hôm sau. Trong các vật phẩm tế Thành Hoành không thể thiếu mâm xôi nếp được nấu tại chùa Thiền Lâm và được dâng cũng tổ Đức Tạng của chùa trước khi mang về cúng đình cúng thần”, ông Mạnh cho biết.

    Cũng theo ông Mạnh, lễ vật từ chùa Thiền Lâm được 2 người khiêng và một người dùng lọng che mâm xôi rước từ chùa về đình (cách nhau khoảng 200m). Đặc biệt, những người tham gia nghi thức cúng thỉnh xôi phải thật trang nghiêm và thành tâm. Ngoài ra, những người có tang đều không được tham gia hoặc đi vào trong khuôn viên của đình nhằm cầu mong mọi sự bình an với dân làng.

anh tin bai

Đình Đắc Nhơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là Di tích văn hóa lịch sử quốc gia

    Các lễ vật dâng cúng tại định tuyệt đối không dùng thịt bò, vì rằng vua Pô Klong Garai là người Chăm theo đạo Bàlamôn, bò là vật của thần Siva cưỡi nên phải kiêng thịt bò. “Tại đình vẫn còn lưu giữ chiếc trống làm bằng da nai để sử dụng trong các nghi lễ thờ cúng tại đình, sở dĩ trống làm bằng da nai mà không phải da bò cũng vì lí do trên”, ông Mạnh cho hay.

    Trải qua 233 năm đình cổ Đắc Nhơn là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử quan trọng và cũng là nơi sinh hoạt, hội họp và tổ chức các nghi lễ trọng của dân làng địa phương, cũng như thể hiện đời sống văn hóa đặc sắc của người làng Đắc Nhơn.

    Đình Đắc Nhơn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1999. Đình cũng còn lưu sữ 8 sặc phong của các triều vua ban tặng, sớm nhất là niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840); 2 sắc niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843); 2 sắc phong niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850) và thứ 33 (1880); Đồng Khánh thứ 2 (1887); Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).

 

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 51
  • Trong tuần: 481
  • Tất cả: 1686789