Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

   (TCTG, 6/5/2024)  - Thấy tôi về quê, ông anh họ đã “ngũ tuần” năm lần bảy lượt sang tận nhà mời: “Bằng giá nào chú cũng phải sang anh uống rượu đấy nhá. Vừa là mừng cho anh, vừa là mừng họ tộc mình được “nở mày nở mặt” vì anh được lên sóng truyền hình...”.

anh tin bai

(Hình minh họa: qdnd.vn)

    Ra là cách đây mấy tuần, anh họ tôi được lên truyền hình tỉnh thật. Mà lên hẳn những gần 30 phút trong hẳn một chương trình với chủ đề Đảng viên vượt khó làm giàu, chứ không thèm “nhom nhem” tạt qua ống kính. Rất “oách” nữa là trong cái phóng sự truyền hình vang dội khắp miền quê ấy, nhân vật anh của tôi không chỉ lặng lẽ đi lại, cắt cây tỉa lá trong tiếng nhạc nền và lời bình của phát thanh viên; mà còn rổn rảng phát biểu về truyền thống cần cù vượt khó của gia đình, dòng họ. Rổn rảng phổ biến kinh nghiệm nuôi ong lấy mật. Rổn rảng kể về những thành tựu kinh tế thu được hằng năm. Rổn rảng bày tỏ những lời biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương... Nói chung là rổn rảng một cách đàng hoàng và thuyết phục!

    Thôi thì cũng là cái cớ để anh em lâu ngày gặp nhau, hàn huyên, tạo thêm sự gắn bó đoàn kết. Cứ nghĩ anh chỉ sắp 1 - 2 mâm nội bộ trong nhà, không ngờ anh thuê hẳn phông rạp, đài loa “inh om” và “chơi” hẳn 20 mâm cỗ liên hoan chỉ để mừng cho cái việc anh được… lên ti vi!

    Tôi được ưu ái xếp ngồi cùng mâm với chủ nhà và mấy bậc cao niên, trong đó có bác Chi trưởng “cành trên” - một đảng viên cựu chiến binh đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Trong niềm vui bát ngát, có lẽ rượu mừng đã đủ say say, bác Chi trưởng quay sang vỗ vai anh:

    - Tôi hỏi thật chú, cái cơ ngơi đồ sộ này có đúng là nhờ nuôi ong lấy mật mà có không? Mà ở làng này ai chẳng biết trong vườn nhà chú nhiều lắm cũng khoảng dăm chục đõ ong chứ đâu đến vài trăm. Vậy làm thế nào mà cho thu nhập mỗi tháng mấy chục triệu đồng như chú phát biểu trên ti vi?

    Trong niềm vui bát ngát, có lẽ rượu mừng cũng quá say say, anh cười rổn rảng rồi nói nhỏ:

    - Có khỉ mốc mà thu nhập mấy chục triệu đồng một tháng. Nuôi vài chục đõ ong, cả năm may ra thu được hơn chục triệu tiền bán mật. Cái nhà 3 tầng này là từ tiền đền bù ruộng đất và 2 đứa con em đi xuất khẩu lao động nước ngoài...

    - Chết thật! Vậy mà chú dám “oang oang” trên ti vi là bình quân mỗi tháng tiền bán mật ong cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Lại còn nói cái cơ ngơi khang trang của gia đình đều nhờ làm ăn kinh tế mà có, trong đó chủ yếu là nuôi ong lấy mật. Rồi còn phổ biến kinh nghiệm làm giàu như đúng rồi... Chú đáng trách lắm! Là đảng viên mà lại “ăn không nói có” như thế, không sợ bị phê bình kỷ luật à?

    - Bác đúng là cổ hủ rồi. Ai người ta kỷ luật! Mà sao bác lại trách em? Có trách là trách mấy lãnh đạo địa phương và mấy anh phóng viên chứ. Em phát biểu như vậy là “theo chỉ đạo” cả đó. Các ông ấy bảo là cứ nói như vậy để tạo thành tích cho quê hương. Nếu em mà không nghe thì các ông ấy sẽ giới thiệu “gương” khác cho nhà báo. Mà cũng hay cho mấy tay quay phim, phỏng vấn hai ngày liền, em nói gì họ cũng tin sái cổ! Khà khà... Mà thôi, chuyện nhỏ ấy mà, vui vẻ là chính, uống rượu tiếp đi bác!

    - Chú nói vậy là sai rồi! Chú cho đấy là việc nhỏ, là chuyện vui vẻ, nhưng xét về bản chất thì không hề nhỏ và không thể coi là vui được. Thứ nhất, là đảng viên mà lại “vào hùa” cho những biểu hiện “bệnh háo danh”, “bệnh hình thức”, “làm thì láo báo cáo thì hay” của lãnh đạo địa phương thì cũng có nghĩa là mình đã vi phạm kỷ luật đảng và những điều đảng viên không được làm. Đó cũng là một trong những biểu hiện và cấp độ suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên. Thứ hai, vì phóng viên người ta tin tưởng ở sự giới thiệu của chính quyền địa phương, tin tưởng ở sự trung thực của “gương đảng viên” nên chú nói gì người ta cũng “tin sái cổ”. Điều đáng trách là họ không điều tra, tìm hiểu cặn kẽ từ người dân xung quanh. Nhưng lỗi lớn nhất vẫn thuộc về chú. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nếu chú công tâm và thực hiện tốt vai trò của một người đảng viên, thì đâu xảy ra “chuyện đã rồi”, đâu có “a dua a tòng” cho cả hệ thống sai phạm như thế này! Thứ ba, người ở tỉnh khác, địa phương khác có thể không biết đến sự dối trá của chú, của chính quyền xã và thôn ta, nhưng người ở làng này, xã này chắc chắn “biết tỏng” cái phóng sự “vượt khó làm giàu” chỉ là “tuyên truyền sai sự thật”. Hậu quả là người dân sẽ không còn tin đảng viên, không còn tin cán bộ lãnh đạo nữa! Ấy là chưa kể chú còn mắc vào cái “bệnh” háo danh, phô trương, lãng phí khi cho rằng tổ chức bữa tiệc mừng hôm nay để “nở mày nở mặt” cho gia đình, họ tộc… Xét đến cùng đó cũng là manh nha của những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với một đảng viên…!

    Nghe bác Chi trưởng “cành trên” nói xong, ông anh họ im lặng, dường như đã nhận ra vấn đề. Còn tôi và các bậc cao niên trong mâm thì hoàn toàn đồng tình./.

MINH TRIẾT

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 374
  • Tất cả: 1687861