Bài 2: Quyết tâm chính trị và phẩm chất nhân văn.
     (Theo NDCT, 24/03/2023) - Biết chút ít về đồng chí Nguyễn Phú Trọng cách đây gần 60 năm, thời sinh viên, nên khi cầm cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", tôi xem mục lục và lật tìm đọc ngay những bài Anh viết cách đây 50, 30 năm. Từ thời "xa xưa" đó, Anh đã phát hiện và viết ra một cách thẳng thắn, không hề rào đón hay vòng vo, những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất trong Đảng và hệ thống chính trị.

    Tôi "giật mình" khi đọc các bài "Bệnh sợ trách nhiệm", "Móc ngoặc", "Làm xiếc", "Một sự thật nhức nhối"… những căn bệnh "hiểm nghèo" trong Đảng và chính quyền đã được Anh phát hiện từ cách đây gần một phần ba, một phần hai thế kỷ! Anh viết: "một số người thoái hóa, hư hỏng, không còn xứng đáng với tư cách và danh hiệu đảng viên" và quyết liệt hơn: "người có chức, có quyền, bị đồng tiền, danh lợi cám dỗ… tự biến mình thành "quan cách mạng", lộng quyền, tham nhũng, sống phè phỡn, đè đầu cưỡi cổ dân" (sách trên, tr.512).

    Cùng với những bài viết lên án quyết liệt đó, Anh lại viết những bài rất chân tình, giàu tình nghĩa và cảm xúc khi bàn về "tình đồng chí", về uy tín của người đảng viên, về mục tiêu và lý tưởng. Có lẽ vì thế, ngay từ thời kỳ đó, có các bài viết, Anh lấy bút danh là Trọng Nghĩa. Một mặt, Anh thiết tha đề xuất cần phải "xem xét, sàng lọc, xốc lại đội ngũ" và mặt khác, trước những cái hư hỏng, thoái hóa, đánh mất uy tín của Đảng, "những người cách mạng chân chính không khỏi đau xót, nhức nhối" (tr.511).

    Tôi nghĩ, từ thời đó, trong nhân cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay đã hình thành hai phẩm chất đáng quý: ý chí kiên quyết lên án, đấu tranh chống cái hư hỏng, thoái hóa, biến chất và tấm lòng trọng nghĩa tình, nhân ái của người đảng viên. Sự "nhức nhối" trong Anh và những người cách mạng chân chính, ở thời điểm đó (năm 1984) là vì mặc dầu Nghị quyết Đảng đã khẳng định mạnh mẽ phải tiến hành đấu tranh, song theo Anh: "Nhưng đáng tiếc là cho đến nay, tư tưởng đó của Đảng và cũng là nguyện vọng của đông đảo đảng viên và quần chúng vẫn chưa được quán triệt một cách sâu sắc và triệt để" (tr.496-497). Các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa biến chất vẫn xảy ra, "không ít những người không xứng đáng nắm giữ những chức vụ khá quan trọng trong các tổ chức đảng, các cơ quan quản lý kinh tế và các tổ chức xã hội khác" (tr.497).

    Đọc tiếp những bài của Anh khoảng từ 10, 15 năm trở lại đây, khi đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, ta nhận thấy rất rõ rằng, hai phẩm chất: kiên quyết, kiên trì, quyết tâm chính trị phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tấm lòng trọng nghĩa, nhân ái vẫn đậm đặc, sâu sắc, thấm sâu trong nhân cách của Anh. Những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trong tư thế là người điềm tĩnh và gần gũi nhưng được nhân dân gọi là người "đốt lò vĩ đại", vì ông đã cùng các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiến hành một cách tỉnh táo, khoa học, bài bản, đồng bộ, mưu lược, xây dựng một thế trận đấu tranh vững chắc, linh hoạt. Những biểu hiện, mưu đồ tham nhũng, những dấu hiệu tiêu cực đều được phanh phui, vạch mặt. Song, có lẽ, đóng góp của Tổng Bí thư không chỉ ở mặt chỉ đạo thực tiễn của cuộc đấu tranh, mà cao hơn, là sự tổng kết lý luận từ cuộc đấu tranh đầy cam go, phức tạp và "nhạy cảm" này. Cái gốc của tham nhũng, phần lớn là tiền tài, của cải, chức vụ,… là gì? Đấu tranh phòng, chống tham nhũng có phải chỉ là xét xử các vụ án đó không? Điều đó là rất cần thiết, nhân dân mong đợi từ nhiều năm để diệt các sâu mọt trong Đảng và hệ thống chính trị.

    Theo Tổng Bí thư, trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực phải từ sớm, từ xa, "đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên" (tr. 207). Đau xót không chỉ mất của cải của dân, của Nhà nước mà đau đớn hơn là mất người. Tổng Bí thư luôn nghĩ như vậy. Có thời, người ta cho rằng, tham nhũng chỉ là tham của, tham tiền. Xử xong, kỷ luật xong được coi là thắng lợi. Từ tổng kết thực tiễn, Tổng Bí thư đã đúc kết lý luận chỉ ra cái gốc của tham nhũng, từ đó phải phòng, chống từ sớm, từ xa, phải trị tận gốc. Cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực đã bắt đầu đi vào chiều sâu của nó, đó là xây dựng và chỉnh đốn Đảng thường xuyên, liên tục, kiên trì và kiên quyết phòng, chống suy thoái, biến chất, "trở cờ" về tư tưởng chính trị, quan điểm, về đạo đức và lối sống.

    Một mặt, Tổng Bí thư yêu cầu "đấu tranh chặn đứng các hiện tượng thoái hóa, hư hỏng trong cán bộ, đảng viên, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch hàng ngũ của Đảng" (tr.235) và mặt khác, Anh luôn khẳng định rằng "Đồng bộ giữa thi hành kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, rất nghiêm minh nhưng rất nhân văn" (tr.22). Vì theo Anh, "Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để "trị bệnh cứu người", kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực" (tr.24). Đây là tư tưởng vừa rất biện chứng, vừa rất nhân văn, giàu lòng nhân ái. Kiên quyết, không khoan nhượng thải loại những kẻ hư hỏng, thoái hóa để từ đó "xốc lại đội ngũ" và "cảnh tỉnh, răn đe", giáo dục những người khác là tư tưởng nhất quán của Tổng Bí thư. Hiệu quả lớn, lâu dài của nó không chỉ là kết quả các vụ kỷ luật, vụ án mà sâu sắc hơn nhiều, đó là "để cứu muôn người". Không làm được điều đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có ý nghĩa thời điểm, dù có lên đến cao trào, "không có ngoại lệ, không có vùng cấm, dù đó là bất cứ ai", mà khó đạt được mục tiêu chiến lược, sâu xa, bền vững là xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, như khát vọng của Tổng Bí thư.

    Tham nhũng, tiêu cực gắn chặt với lòng tham, "tham vọng quyền lực", chạy chức, chạy quyền, vì vậy, nhiều lần Tổng Bí thư đề cập đến quyền lực và cơ chế kiểm soát quyền lực, "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế". Thật ra, không có quyền lực cá nhân mà chỉ có quyền hạn mà nhân dân ủy thác cho những người được tín nhiệm để thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Không ít người, từ chức vụ nhỏ đến lớn, không hiểu chân lý này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ ra "không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật" (tr.84), mà chỉ có những kẻ "lạm quyền" (tr.66), và lộng quyền (tr.512) vì họ đã bị "tha hóa" (tr.83). Tổng Bí thư kiên quyết yêu cầu phải trị, thải loại những kẻ như vậy, tưởng rằng có thể lợi dụng quyền hạn để tham nhũng, nạt nộ, đe dọa, ức hiếp người dân. Anh yêu cầu có cơ chế pháp lý để kiểm soát quyền lực, song Anh nhắc nhở những người có chức, có quyền rằng "Nói pháp lý nhưng còn có đạo lý… lương tâm, đạo đức không cho phép làm, đạo lý dân tộc không cho phép làm. Vậy cái nào thiêng liêng hơn? Cái nào sâu xa, bền vững hơn?" (tr.331). Tư tưởng trên mang phẩm chất nhân văn, sâu sắc, chỉ ra những giá trị văn hóa cao quý, sâu sắc nhất của người cộng sản và của dân tộc ta. Đó là lương tâm, đạo đức, đạo lý dân tộc. Từ đó, Tổng Bí thư khẳng định "Pháp luật là tối thượng nhưng nhân văn cũng rất quan trọng. Pháp trị nhưng phải có đức trị. Người Á Đông ta là thế" (tr.331).

    Từ chiều sâu của tầm nhìn biện chứng giữa pháp lý và nhân văn, Tổng Bí thư, một mặt nhấn mạnh sức mạnh, hiệu lực của pháp luật và mặt khác, luôn luôn nhấn mạnh và nêu lên yêu cầu về xây dựng các giá trị văn hóa của người cán bộ và của toàn Đảng. Tôi đã đọc được ba lần, Tổng Bí thư nhắc đến nhiệm vụ này, đó là "văn hóa liêm chính" (tr.34, 37), "văn hóa công vụ" (tr.39, 106) và "văn hóa tiết kiệm" (tr.107). Đó là sức mạnh nội sinh, bền vững để chống lại sự suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Phải chăng, đó là sức mạnh đặc thù, nhiều khi hiệu quả lớn hơn, sâu xa hơn pháp luật, vì theo Tổng Bí thư, đó là sức mạnh của sự "trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng" (tr.60). Từ kiên trì, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã nhìn xa và sâu hơn, đề cập và yêu cầu đến những giá trị cao quý nhất, giàu giá trị văn hóa trong phẩm chất, nhân cách con người. Từ đó, thật là giản dị như một lời tâm tình, Tổng Bí thư nhiều lần nhắn nhủ: "Tự điều chỉnh mình" (tr.331), "phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức… bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực; danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất" (tr.38). Tự điều chỉnh, tự soi, tự sửa là con đường, nhân tố văn hóa tạo nên sức mạnh bên trong của mỗi người, hằng ngày, hằng giờ và cả cuộc đời của mỗi người để trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn nhân cách của mình, và đúng như Tổng Bí thư đã tâm sự, đó là "cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người" (tr.36). Trong ý nghĩa đó, Tổng Bí thư như trở thành người đồng hành, chân tình, tin cậy và sáng suốt của tất cả chúng ta.

    Giá trị lý luận và thực tiễn của công trình này của Tổng Bí thư thể hiện sáng rõ ở nhiều mặt, song sự thống nhất, hài hòa giữa quyết tâm chính trị và phẩm chất nhân văn-văn hóa sẽ là một nhân tố tạo nên giá trị bền vững, lâu dài của nó.

    Tháng 3/2023

    (Còn nữa)

    ()Xem Báo Nhân Dân cui tun t s 12, ngày 19/3/2023.

                                                                GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 22
  • Trong tuần: 925
  • Tất cả: 1686597