“Thư cho em” – Chuyến tàu du hành về tình yêu thời “ông bà anh”.

    (Thời Báo VHNT, 14-04-2024) - “Thư cho em” đưa người đọc lên chuyến du hành thời gian quay về những năm bom đạn của thế kỷ 20, khi cả nước đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Qua lời kể của người con trai út Hoàng Nam Tiến, cuộc tình kéo dài hơn 40 năm của thiếu tướng Hoàng Đan – một trong những chiến tướng nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam và vợ ông là bà An Vinh – nữ đại biểu Quốc hội những khóa đầu hiện lên rất đỗi chân thực, đó không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một đôi vợ chồng, mà còn là tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ của đất nước.

    Trong toạ đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách “Thư cho em” với sự tham gia của tác giả Hoàng Nam Tiến, trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu và biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, câu chuyện tình yêu của vợ chồng thiếu tướng Hoàng Đan trở nên gần gũi và thu hút đông đảo độc giả. Đó không phải là câu chuyện về chiến tranh với những trận đánh khốc liệt, đó là hành trình đến với nhau đầy ly kỳ, là những giờ khắc riêng tư giữa cuộc chiến, là những cánh thư bay giữa đạn bom, là cuộc hẹn hò giữa chiến trường,... của đôi vợ chồng thời “ông bà anh”.

anh tin bai

Từ phải qua: trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, tác giả Hoàng Nam Tiến, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy trong toạ đàm nhân dịp ra mắt tác phẩm "Thư cho em" do Nhã Nam tổ chức. Ảnh: Huyền Thương

    Những dòng thư tay buộc chặt tình yêu

    “Thư cho em” bắt đầu bằng lời kể của tác giả Hoàng Nam Tiến về sự kiện tướng Hoàng Đan qua đời vào năm 2003. Mẹ của tác giả, bà An Vinh yêu cầu Hoàng Nam Tiến xếp đặt để những bức thư và nhật ký của hai ông bà sẽ đi theo ông Hoàng Đan về thế giới bên kia.

    Hoàng Nam Tiến đã “to gan trái lời mẹ” giữ lại thư từ của ba mẹ trong suốt 50 năm, từ những năm 1953, thuở mới quen, cho đến quãng thời gian sau này. Qua nhiều ngày tháng, mỗi lần đọc thư, hiểu về tình cảm cha mẹ, cùng với những ký ức về cha mẹ, tác giả đã cảm thấy nỗi thôi thúc phải viết xuống cuốn sách này.

anh tin bai

Đông đảo độc giả đã đến tham dự sự kiện và bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với tình yêu của vợ chồng thiếu tướng Hoàng Đan. Ảnh: Huyền Thương

    Tác giả cho biết, khi đọc những bức thư, chính bản thân anh đã tìm thấy rất nhiều bài học từ tình yêu đó. Đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành sẻ chia, tình yêu là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình và vượt qua gian khó.

    Bởi vì đó là tình yêu thật sự, vì vậy nó có thể sống cùng thời gian, thử thách. Nó có thể tồn tại ở những thể khác nhau nhưng nó vẫn là tình yêu. Giá mà tôi được đọc thư ba mẹ sớm hơn thì có lẽ tôi đã tránh được rất nhiều sai lầm và nỗi đau trong cuộc sống, anh xúc động chia sẻ.

    Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh rất ít ỏi, trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt thì người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp.

    Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau, kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc: chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, năm 1884... Những lá thư ấy cũng trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai người.

    Những bức thư mang tình yêu đi qua những ngày tháng xa cách đằng đẵng với những câu chữ đong đầy nhớ thương vời vợi, tình cảm của hai nhân vật cứ thế được bồi đắp qua những dòng thư tay ấy, theo năm tháng đầy những mong chờ và lãng mạn dịu êm.

anh tin bai

Bìa cuốn sách “Thư cho em” của tác giả Hoàng Nam Tiến. Ảnh: Nhã Nam

    Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ chia sẻ, chị được biết đến bản thảo này từ khá sớm và có góp ý một số điều nho nhỏ. Ở thời điểm đó, phía tác giả vẫn chưa định hình đây là một cuốn sách ghi lại kỷ niệm gia đình và chỉ dành cho gia đình, hay là một cuốn sách dành cả cho công chúng.

    Theo chị, có lẽ sau khi lần giở lại các bức thư cũ của ba mẹ mình, kết nối các ký ức cá nhân, trong nỗi xúc động và niềm kính trọng trước một câu chuyện riêng nhưng có tính đại diện trong một bức tranh lớn, chính tác giả Hoàng Nam Tiến cảm thấy nó xứng đáng được biết đến rộng rãi.

    Để kể cho ra một câu chuyện dựa trên các lá thư xâu chuỗi không phải đơn giản, nó dễ sa vào nhàm chán, vì thế đây một thách thức với tác giả và theo đó cũng là thách thức cho tôi. Thật may lâu nay Hoàng Nam Tiến đã là một người kể chuyện theo cách này hay cách khác nên phần lớn nội dung đã hoàn thành. Việc của tôi chỉ là đưa ra các gợi ý để phát triển bản thảo cho sum suê sống động hơn, chị Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ cho hay.

    Mối tình mang cảm hứng lãng mạn cách mạng

    Trong chiến tranh, trước thử thách lớn nhất là bom đạn và cái chết, tình yêu của vợ chồng tướng Hoàng Đan trở nên mãnh liệt, độ lượng và vị tha.

anh tin bai

Thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh. Ảnh tư liệu

    Ông Hoàng Đan năm 1953 đã liều lĩnh xin rời đơn vị trước chiến dịch Thượng Lào, cả đêm đạp xe về quê để hỏi vợ và sau đó ông lại đi biệt đến chiến thắng Điện Biên Phủ mới đạp xe từ Điện Biên về Nghệ An để cưới vợ. Sau quang đường dài về quê ông mới hay tin người vợ chưa cưới đang công tác ở tận Lạng Sơn. Nhưng chiến tranh thì gian khổ còn tình yêu thì mãnh liệt, ông lại đạp xe từ Nghệ An qua Thái Nguyên rồi tới Lạng Sơn tìm bà, với tổng quãng đường chừng 1.300 cây số. Và họ cũng cưới được nhau khi đất nước vừa hòa bình.

    Khi thành vợ chồng, ông cũng có niềm tin mãnh liệt sẽ “sống sót trở về với em” và mang niềm tin ấy đi qua kháng chiến chống Mỹ khốc liệt.

anh tin bai

Những bức thư mang tình yêu của họ đi qua những ngày tháng xa cách đằng đẵng với những câu chữ đong đầy nhớ thương vời vợi. Ảnh: Nhã Nam

    Trong đời sống hôn nhân không thiếu đi những hờn ghen và giận dỗi. Xuyên suốt cuộc tình 50 năm, tác giả qua những chi tiết rất nhỏ, đã kể về cách tướng Hoàng Đan hết mực chiều vợ, động viên, lo lắng; cách bà An Vinh bao dung cho những đức tính rất đàn ông của chồng mình… độc giả sẽ cảm nhận được họ không chỉ là vợ chồng, là ba mẹ, mà còn là đồng chí và những người bạn đời, vì tình yêu, vì gia đình, vì hiểu và trân trọng những điều tốt đẹp của nhau mà cả đời vun vén, nỗ lực chung sống với nhau.

    Tình yêu của họ được đặt phía sau tình đất nước. Cả một đời binh nghiệp, hơn 30 năm ông Hoàng Đan hầu như không ở nhà, ông dành toàn bộ tuổi trẻ và cuộc đời của mình cho sự nghiệp chiến đấu cho hòa bình. Chưa một cái Tết nào ông ở nhà. Bà An Vinh trong suốt thời gian đó nén lại nỗi nhớ thương xa cách, kiên trì lao động, học tập và phát triển, nuôi con… Họ, giống như lớp lớp người người thời đó đã hy sinh hạnh phúc riêng cho nhiệm vụ chung lớn lao là giải phóng dân tộc.

    "Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn và còn phải một thời gian nữa và được như anh mong thì tốt, tức là năm nay kết thúc được chiến tranh, năm nay sẽ có một Điện Biên của 1972, Điện Biên đánh Mỹ.

    Tháng 5/1954 kết thúc đánh Pháp, anh về cưới em. Nếu năm nay kết thúc chiến tranh, anh về sống bên em thì đúng mười tám năm em nhỉ. Mười tám năm xa nhau để làm nhiệm vụ đánh Mỹ. Xa nhau bao thương nhớ, nhưng nếu thắng lợi thì sự hy sinh đó cũng xứng đáng.

    Anh vẫn khỏe, năm nay chiến đấu liên tục. Khá căng thẳng nhưng anh vẫn chịu đựng được..."

    (Thư ông Hoàng Đan gửi vợ An Vinh, cuối tháng 8/1972)

    Không phải ngẫu nhiên tác giả Hoàng Nam Tiến lựa chọn một trích dẫn kinh điển của văn học Liên Xô làm lời đề dẫn: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi không gào thét, và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em dịu dàng, nhẫn nại và chan chứa yêu thương”. Tác giả tự nhận mối tình của cha mẹ mình mang cảm hứng lãng mạn cách mạng và nó cho anh những bài học cùng yêu, cùng sống, cùng trưởng thành của thế hệ trước.

anh tin bai

Tác giả Hoàng Nam Tiến mong muốn thế hệ trẻ hiểu thêm về "lãng mạn cách mạng" qua cuốn sách tập hợp thư tình thời chiến của cha mẹ. Ảnh: Nhã Nam

    Những câu chuyện nhỏ trong “Thư cho em” còn mang đến cho người đọc nhiều chiêm nghiệm, suy tư về tình yêu và đời sống hôn nhân giữa những cặp đôi ở bất kỳ thế hệ nào.

    Chia sẻ về cuốn sách “có lẽ đầu tiên và duy nhất” của mình, tác giả Hoàng Nam Tiến bày tỏ: Tôi viết để lại một kỷ niệm cho mình, cho gia đình, và với cá nhân mình, tôi viết để hiểu thêm về tình yêu. Tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ, tin rằng tình yêu có thật.

Tác giả Hoàng Nam Tiến sinh năm 1969, quê ở Nghệ An. Anh vốn được công chúng biết đến trong nhiều vị trí công việc tại tập đoàn FPT, cũng như nhiều chia sẻ ấn tượng về các câu chuyện kinh doanh, công nghệ, giáo dục… tới cộng đồng. Nhưng với “Thư cho em”, đây là lần đầu tiên anh xuất hiện với tư cách là một tác giả.

 

Huyền Thương

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 577
  • Tất cả: 1686695