Có một thầy tuồng như thế.

  (Thời Báo VHNT,  26-03-2024) - Sự xuất hiện tài năng trong mọi lĩnh vực cuộc sống tất nhiên do chủ thể lao động sáng tạo, học hỏi, rèn luyện như dao càng mài càng sắc là tất nhiên. Thế nhưng khởi thủy của sự hình thành con đường dẫn đến tài năng thường có hai dạng. Dạng thứ nhất là “Người chọn nghề” do sống trong môi trường nghề nghiệp của gia đình mà ta quen gọi là có gen truyền. Dạng thứ hai là “Nghề chọn người” nhiều khi chỉ là sự vô tình biết đến nghề mà trước đó chưa hề có ý thức chọn lựa. NSND Lê Tiến Thọ vào nghề ở dạng thứ hai.

    Sinh ra tại mảnh đất địa linh nhân kiệt – huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh, ông là con út trong gia đình 7 anh chị em. Ở tuổi 12, Lê Tiến Thọ chưa hề có khái niệm “nghệ sĩ” khi thấy có người đi tuyển văn công ở trên huyện, hoặc do lạ, hoặc do tò mò thì xin gia đình đi thi như một sự khám phá. Vốn thông minh, dĩnh ngộ từ nhỏ, ông bấy giờ là hy vọng của cả gia đình và thầy giáo phổ thông nên nghe tin này, mẹ thương và gàn, thầy tiếc trò và cản khiến ông phải trốn nhà làm một cú thử đầu đời xem thế nào.

    Tưởng “thử xem thế nào” rất trẻ con, ai ngờ tiếng trống chiêng, cờ phướn ở nhà văn hóa huyện hút hồn cậu luôn. Cái buổi tuyển văn công ấy đánh thức một tiềm năng trong cậu bé tuổi 12 như mùa xuân đánh thức mầm sống ẩn trong cành cội bật ra khoe sắc, quả là nghề chọn người.

    Mà nghề chọn người thật. Nghề đã chọn hẳn không lầm mà dân sân khấu thường gọi là “Tổ độ” nên khi đến với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, ngay lập tức cậu bé đã gây ấn tượng mạnh với các thế hệ tiền bối đi trước. Được sống trong cái nôi của nghệ thuật, đêm đêm dưới ánh đèn sân khấu, ánh đèn lung linh như những vì sao sáng lấp lánh, hòa trong tiếng kèn đồng, tiếng trống rộn ràng, lời ca tiếng hát, cung đàn say mê, tự lúc nào, nghiệp tuồng ngấm vào từng thành mạch nhỏ chảy li ti trong huyết quản người nghệ sĩ. Năm 30 tuổi, Lê Tiến Thọ được phong NSƯT, là nghệ sĩ  trẻ nhất được phong đợt 1. Rồi đợt Nhà nước phong danh hiệu NSND, ông cũng là nghệ sĩ trẻ nhất.

anh tin bai

NSND Lê Tiến Thọ

    Hiếm có nghệ sĩ nào thành danh, có tên tuổi, sớm đi vào lòng công chúng qua các vai diễn như ông. Khán giả không quên các vai diễn xuất sắc của ông trong các vở tuồng Suối đất hoa, Hoàng hôn đen, Lý Phụng Đình hay các vai diễn Trọng Thủy, Ôtenlô, Lý Phụng Đình, Nhiếp Chính Bang. Để rồi nhân vật của ông trở thành mẫu mực trong giới nghệ thuật tuồng của Việt Nam sau các bậc tiền bối như các NSND Quang Tốn, Bạch Trà, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Ngọc Phương, Ngô Thị Liễu, Phạm Chương, Nguyễn PhẩmSáu Lai

    Lạ nhất là nghệ thuật Tuồng vốn xuất phát từ miền Trung, gắn liền với cung đình với tích tuồng cổ với những đề tài quân quốc, có phần cứng ngắc khó xem được chàng trai xứ Thanh như một cơn gió mát lành, trong trẻo, phả vào sự thăng hoa, bay bổng, mềm mại của đất Bắc, khiến nghệ thuật tuồng thêm sinh khí của sự tươi mới.

    Ông không chỉ xuất sắc với vai trò diễn viên mà còn đầy năng lượng trong vai trò đạo diễn khi dàn dựng những vở tuồng Thiếu phụ Nam Xương, Lý Chiêu Hoàng, Dũng khí Đặng Đại Độ, Quan khiêng võng... Và khi có thêm bằng cử nhân văn chương, ông cũng là tác giả của nhiều kịch bản tuồng như Chuyện tình ông vua, Hoàng thúc Lý Long Tường, Vụ án Lệ Chi Viên... NSND Lê Tiến Thọ được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

    Có thể nói, Lê Tiến Thọ tụ hội “4 trong 1” trên con đường sự nghiệp của mình: Nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, tác giả và nhà quản lý. Sau nhiều năm làm Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ tiếp tục đảm nhận những vị trí quan trọng như Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam.

    Lạ nhất là ở tuổi cổ lai hy, ông quan sân khấu này còn dàn dựng cả kịch nói Lá đơn thứ 72 (tác giả Hoàng Thanh Du) là 1 trong 2 vở “về Bác Hồ” ( chứ không phải vở “có Bác Hồ”) trong đó Đêm Trắng (tác giả Lưu Quang Hà) nói Bác xử lý cán bộ tham nhũng còn vở của ông là Bác xử lý việc dân bị oan. Máu nghề chảy rần rật trong ông và người NSND tài hoa này không cao ngạo, chả ngại dựng cho sân khấu không chuyên cho đội văn nghệ huyện như một “nhà truyền giáo” đau đáu về sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà.

anh tin bai

Cảnh trong vở diễn “Hoàng thúc Lý Long Tường” do NSND Lê Tiến Thọ dàn dựng. 

    Máu nghề, kinh nghiệm và tình yêu sân khấu khiến ông trăn trở trong những bài viết khiến ông sắp xếp lại thành sách và vô tình thành nhà lý luận sân khấu. Những thông tin, tri thức, phát hiện mới từ một người suốt một đời nhiệt huyết lăn lộn với nghề trên nhiều công việc khác nhau làm bạn bè háo hức chờ đợi. Có những cuốn sách đang đọc mà khó tin nhưng cũng có những cuốn chưa đọc là quyết tìm bởi người ta biết tác giả có thực tế không, viết ra để làm gì, viết để khoe mẽ hay muốn gửi gắm những đam mê của mình cho bạn đọc.

    Lạ nhất là người từng làm công tác quản lý nhiều năm nhưng NSND Lê Tiến Thọ không ngần ngại, mạnh dạn chỉ ra những “thiếu sót trong cơ quan quản lý cơ chế chính sách và quảng cáo nghệ thuật” cũng như nỗi niềm đau đáu trong ông về một “kênh truyền hình cần có để giới thiệu, quảng bá VHNT ngõ hầu khán giả tiếp cận được nhiều giá trị VHNT qua các giai đoạn, qua các loại hình một cách rộng rãi nhất, nhanh chóng nhất trong sự bùng nổ thông tin hiện nay góp phần bồi bổ niềm tự hào dân tộc”.

    Là nghệ sĩ sân khấu, riêng trong lĩnh vực hẹp, NSND Lê Tiến Thọ được bạn nghề phong cho danh hiệu bất thành văn là “Thầy Tuồng”. Gặp Lê Tiến Thọ và trò chuyện, thấy ông như một trong những nhân chứng, ăm ắp kho tư liệu trong đầu với dòng chảy sân khấu vài chục năm gần đây do thuận lợi ở vị trí quản lý được xem nhiều, đọc nhiều hơn ai hết. Chất giọng sang sảng, ông rành rọt về từng loại hình sân khấu truyền thống được cụ thể rất khác nhau nhưng âm hưởng chung của nhóm bài này vẫn là sự đau đáu về bảo tồn và phát triển vốn quý của cha ông xưa để lại.

    Đau đáu chuyện sân khấu truyền thống, Lê Tiến Thọ say sưa nói vấn đề bảo tồn là giữ được hồn cốt, đặc trưng loại hình song không phải là bảo tàng dập y chang vốn cũ. Sân khấu hôm nay với khán giả hôm nay cũng những thay đổi chóng mặt của thời đại công nghệ, chuyện xảy ra bất kỳ đâu trên trái đất, sau 30 phút, cả thế giới đều biết nên sân khấu truyền thống cũng phải hòa nhập với sân khấu thế giới.

    Tuy nhiên, hòa nhập mà không phải hòa tan làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống riêng là con đường đi của bất cứ dân tộc nào, nền sân khấu nào, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là nền văn hóa nói chung và sân khấu Việt nói riêng dưới “ánh đèn” soi rọi của đường lối văn hóa văn nghệ sáng suốt của Đảng.

    Gặp NSND Lê Tiến Thọ, dư âm còn đọng lại đeo đẳng người đối thoại ngoài sự cởi mở, chân tình là nhận ra trong ông ngọn lửa “Thầy Tuồng” cháy trong từng mạch máu của một đời người - một đời nghề! Những tâm sự như được vắt ra từ trái tim nghệ sĩ và trách nhiệm công dân, cứ mãi trăn trở về một nghề mà ông được “Tổ độ” là sân khấu nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng, cứ đau đáu về sự trường tồn - phát triển của sự nghiệp sân khấu nước nhà.

Lưu Thuỷ

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 940
  • Tất cả: 1686612