Nghĩ thêm giải pháp cho phát triển văn học nghệ thuật.

    (Thời Báo VHNT, 27-03-2024) - Tìm kiếm giải pháp cho sự phát triển của văn học nghệ thuật có lẽ là niềm trăn trở thường trực của những người hoạt động sáng tạo và các nhà lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật. Trong đó, hai vấn đề quan trọng là đánh giá thực trạng, nhận định tình hình và đề ra phương hướng, chủ trương, giải pháp để phát triển. Đánh giá tình hình tuy là việc khó, có thể còn những khác nhau, nhưng nếu nhìn trên nét lớn, về cơ bản chúng ta vẫn là đồng thuận. Khó khăn hơn là đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển. Đây là những vấn đề nằm ở thì tương lai, đa dạng và phức tạp, nên không dễ thống nhất.

    Tôi xin nêu mấy vấn đề theo tôi là quan trọng hàng đầu trong phát triển văn học nghệ thuật ở nước ta trong giai đoạn hiện tại và sắp tới.

    Việc đầu tiên là tìm kiếm nhân tài. Tôi thường nghĩ chỉ có tài năng đặc biệt mới tạo ra những tác phẩm có giá trị đặc biệt xuất sắc. Có cực đoan quá không? Hoàn toàn không. Thực tiễn lịch sử văn học nghệ thuật nước ta và thế giới cho thấy rằng, sáng tạo của thiên tài rất khác người thường. Họ có khả năng tạo ra những sản phẩm đặc biệt mà người khác không thể làm được. Việc tìm kiếm, lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý tài năng và tin tưởng ở họ là điều kiện tiên quyết. Nhưng cũng cần hiểu rằng, có khi dù tận lực cố gắng trong các việc này, nhưng không phải mọi trường hợp đều thành công.

anh tin bai

Ảnh minh họa

    Có ý kiến nêu ra, chúng ta đang thiếu người tài. Có phần đúng và có phần không đúng. Đúng là tài năng thì không bao giờ là sẵn, là đủ. Có khi vài trăm năm mới xuất hiện một tài năng tầm cỡ quốc gia. Từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, đến Hồ Chí Minh đều có chu kỳ vài trăm năm. Và như vậy, chúng ta phải chấp nhận ở mức độ khác nhau về tài năng trong văn nghệ. Sau những danh nhân văn hóa nhắc đến ở trên, ta có nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng khác làm nên vinh quang cho dân tộc. Mặt khác, khi xem xét văn học nghệ thuật ta không chỉ nhìn ở tương quan cao thấp mà quan trọng là sự đóng góp về mặt khác biệt, độc đáo. Hồ Xuân Hương là trường hợp như thế.

    Tuy vậy, cân nhắc một cách nghiêm cẩn, chúng ta không phải quá thiếu tài năng. Dân số nước ta hiện nay cán mốc một trăm triệu người. Dân ta cần cù, siêng năng. Chúng ta đang song hành cùng thế giới, cùng dân tộc văn minh khác trên con đường cách mạng công nghiệp 4.0, mà không phải quá lép vế. Phẩm chất, nghị lực và sáng tạo, đã cho chúng ta những thành công, cả những đỉnh cao của khoa học hay văn học nghệ thuật.

    Trường hợp Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế F. Chopin năm 1980, hay nhà toán học Ngô Bảo Châu giành Giải thưởng Fields năm 2010 là những thí dụ tiêu biểu. Hiện tại, chúng ta có không ít tài năng thiên bẩm, trong đó có năng khiếu về nghệ thuật, đang được phát hiện và giới thiệu, ở nhiều nơi trên đất nước, và các vùng định cư khác của người Việt. Điều đó nói lên rằng, trong tương quan với các quốc gia tương tự, tài năng chưa phải là điều quá hiếm trong đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta.

anh tin bai

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn biểu diễn

    Tuy vậy, ứng xử với tài năng là một việc cực kỳ khó, nếu làm đúng, thì cũng cực kỳ hiệu quả. Thời kháng chiến, sự thu phục lòng người của các lãnh tụ và những người lãnh đạo quản lý cũng là những nguyên do quan trọng làm nên những tác phẩm có giá trị cao, có sức lay động lòng người mạnh, và tồn tại lâu dài qua năm tháng. Nghiên cứu các trường hợp của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Phan Kế An, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Đình Thi… chúng ta thấy tấm lòng của những người lãnh đạo là yếu tố quan trọng khích lệ sự sáng tạo trong tâm hồn người nghệ sĩ.

    Song song với việc đó, triết lý trong tư tưởng trong tác phẩm là một sự cần thiết. Tư tưởng cần mới, nhưng phải gắn với dân tộc, như vậy mới đóng góp vào kho tàng chung của nhân loại. Vì vậy cần nhận thức nét nổi của hiện thực trong tiến trình lịch sử và hiện tại là gì? Cần cung cấp cho họ những dữ liệu và điều kiện cho họ tìm hiểu và sáng tạo. Trên cơ sở hiểu rõ sở trường, sự thông thạo về các yếu tố phụ trợ như ngôn ngữ, phong cách, mà người nghệ sĩ lựa chọn phương thức thể hiện tư tưởng, triết lý cho tác phẩm. Tất nhiên, chúng tôi luôn nghĩ rằng, để có sự hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tự do sáng tác và lợi ích dân tộc, tinh thần nhân loại, rất cần chú trọng đến vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ. Đôi khi, không phải lúc nào mối quan hệ này cũng đồng thuận, và lúc ấy, chúng ta cần lấy lợi ích dân tộc lên trên hết và trước hết. 

    Một giải pháp nữa là cần chọn phương pháp và ngôn ngữ cho thích hợp. Tất nhiên, với các loại hình nghệ thuật khác nhau có các ngôn ngữ thể hiện khác nhau, nhưng người sáng tạo cần có lựa chọn chính xác khi cấu trúc và thể hiện ý đồ tư tưởng muốn biểu đạt. Lấy văn học làm thí dụ, người viết cần xác định phương thức đó là gì, thơ ngắn hay trường ca; nếu là văn xuôi thì dùng truyện ngắn hay tiểu thuyết, kịch bản văn học, nghĩa là chọn một thể loại thích hợp. Lại cân nhắc kỹ sử dụng bút pháp hiện thực, lãng mạn hay huyền thoại. Đấy là nét chung nhất, chứ thực ra, đi vào chi tiết, còn muôn vàn vấn đề để thể hiện ý tưởng.

    Điều cuối cùng là việc nghiệm thu tác phẩm. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý hoặc công chúng, trước hết là công chúng tinh hoa, những người được đào tạo và hiểu biết sâu trong từng lĩnh vực, cần một thái độ cởi mở trong nhận thức, chấp nhận sự tự do trong thể hiện và trao đổi tư tưởng. Đó là thực tế không thể lảng tránh. Như vậy cần hiểu phong trào, hiểu con người, với tất cả những mặt tốt và xấu, để từ đó tìm ra những điều phù hợp với mục tiêu mà nghệ sĩ lựa chọn. Với người nghệ sĩ, phải vượt lên trên những định kiến, những rào cản vô hình và hữu hình trong con người mình để tạo ra sự hưng phấn và trạng thái tự do tư tưởng nhất khi bước vào sáng tạo. Còn người tiếp nhận lại cởi mở, chân thành.

    Như vậy, sự hài hòa này sẽ tạo ra hiệu quả và cộng hưởng cùng nhau trong tác động vào con tim người đọc. Trong tình hình dân chủ còn chưa thật sâu rộng, để góp phần giải quyết những tác phẩm “ngược dòng”, do phản ánh độ chênh giữa dự định và thực tiễn, Nhà nước nên có quy định cởi mở hơn về nhận định, đồng thời tạo điều kiện để văn nghệ sĩ tham dự những chương trình đặc biệt mang tầm cỡ quốc gia có tính “bí mật”. Mọi hoạt động chỉ đạo và các nguồn thông tin đều được cung cấp theo chế độ, để trong quá trình diễn biến của sự việc, nhà văn được tiếp cận và được hiểu như một chứng nhân, chứ không chỉ như nghệ sĩ đi thực tế, tìm hiểu tư liệu.

    Các tổ chức liên quan, được quyền và có trách nhiệm giới thiệu những người phù hợp tham gia các chương trình đặc biệt này. Văn nghệ sĩ được cử tham dự các chương trình đặc biệt cần nêu cao trách nhiệm, lòng tự trọng và tuân thủ chế độ bảo mật trong quá trình tìm hiểu và theo dõi sự việc. Khi phát hiện vấn đề có độ chênh giữa dự định và thực tiễn, nhất là những lĩnh vực được coi là nhạy cảm, có tính chất chủ trương đường lối, người nghệ sĩ vẫn cần được tự do tư tưởng trong đánh giá sự kiện, cũng như thể hiện ý tưởng của mình. Nếu tác phẩm không thể xuất bản theo quy trình bình thường, cần thành lập một Hội đồng thẩm định đặc biệt bao gồm một số chuyên gia, đánh giá và cho ý kiến về hướng giải quyết. Trường hợp được Hội đồng thẩm định đặc biệt đánh giá tác phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị về nghệ thuật và lịch sử, nhưng chưa có lợi cho công tác tuyên truyền trước mắt, có thể mua bản quyền đưa vào lưu trữ và xuất bản khi có điều kiện, hoặc tham khảo trong diện hẹp của những người nghiên cứu./.

Lê Quang Trang

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 940
  • Tất cả: 1686612