Công chúng đồng sáng tạo nghệ thuật đương đại.
(Theo QĐCT 09/03/2020) - Công chúng nghệ thuật và lao động sáng tạo là quan hệ hai chiều, cộng sinh và tương hỗ. Ban đầu, nghệ thuật chỉ là những ký hiệu mang thông điệp sinh tồn, về sau nó mới mang giá trị tự thân của cái đẹp...

Đối với mỗi nghệ sĩ, niềm hạnh phúc không chỉ giản đơn là sáng tạo ra những tác phẩm chất lượng, mà còn là tác phẩm đó được công chúng đương thời đón nhận. Để nghệ thuật có mặt trong đời sống và để nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng cũng là trăn trở của chính những người trong cuộc. Cùng trò chuyện với họa sĩ Đặng Thị Khuê để hiểu thêm về vấn đề này, đặc biệt là công chúng trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình đương đại.

Phóng viên (PV): Bà nhìn nhận như thế nào về sự ảnh hưởng của công chúng nghệ thuật đối với lao động sáng tạo của các nghệ sĩ?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Công chúng nghệ thuật và lao động sáng tạo là quan hệ hai chiều, cộng sinh và tương hỗ. Ban đầu, nghệ thuật chỉ là những ký hiệu mang thông điệp sinh tồn, về sau nó mới mang giá trị tự thân của cái đẹp. Lịch sử nghệ thuật thực chất là lịch sử của một quá trình rút ngắn khoảng cách giữa sáng tạo và thụ cảm nghệ thuật với những cố gắng để hòa nhập không gian thẩm mỹ với không gian xã hội.

Ngày nay, công chúng là một thành tố không thể thiếu trong sáng tạo đương đại. Họ có thể tham dự trực tiếp vào quá trình sáng tạo tác phẩm và sự thụ cảm của người xem cũng được xem như một phương tiện, chất liệu (chất liệu phi vật thể). Vị thế “đồng sáng tạo” của công chúng cũng đã nói lên bước tiến của nhận thức con người và giá trị tự thân trong cảm xúc và sáng tạo. Nghệ thuật cũng nhờ thế mà ngày một mang tính nhân văn hơn.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê

PV: Nhiều năm gắn bó với mỹ thuật cả ở cương vị quản lý lẫn người sáng tác, bà có cảm nhận gì về sự thay đổi của công chúng mỹ thuật xưa và nay?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Sự thay đổi của thị hiếu công chúng Việt Nam có thể liên quan tới thói quen tâm lý thị giác trong cách nhìn cái đẹp trước những biến động của nghệ thuật.

Hội họa (tranh giá vẽ) hay điêu khắc độc lập là hai dòng chủ lưu của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, nhưng nó lại là thể loại mới được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Còn trước đó, suốt 19 thế kỷ, mỹ thuật Việt Nam là một hành trình khác. Đó là dòng thẩm mỹ mang đậm bản sắc bản địa, tồn tại trong mạch tư duy chung của thẩm mỹ Á Đông. Nó chủ yếu là tượng thờ, phù điêu gắn với kiến trúc tôn giáo và mỹ thuật đồ thủ công gia dụng.

Sang thế kỷ 20, lịch sử dẫn tới tiếp xúc với văn hóa phương Tây và thẩm mỹ châu Âu. Nghệ thuật Việt Nam tiếp tục với một chu kỳ vận động mới. Như nhiều quốc gia ở thời kỳ thực dân, sau những tương phản văn hóa là thời kỳ giao thoa với những ảnh hưởng và tiếp biến. Sau đó, nghệ thuật Việt Nam định hình trong những giá trị mới với lối tạo hình hàn lâm và đi liền với nó là một thị hiếu mới cùng lớp công chúng mới.

Đến giữa thập kỷ 1980, cùng với “mở cửa” và đổi mới đất nước, nghệ thuật Việt Nam, nhân sự tác động từ nhiều phía, là thời kỳ nở rộ của những thể nghiệm theo nhiều hướng, làm thay đổi toàn cảnh nghệ thuật. Mỹ thuật Việt Nam đa dạng hơn với nhiều thể loại và phong cách, ngày càng gần hơn với diễn biến của nghệ thuật thế giới.

Công chúng giờ đây có nhiều lựa chọn hơn nhưng cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nghệ thuật qua ngôn ngữ của chính nó. Tuy nhiên, nghệ thuật là tâm hồn và cảm xúc, là con đường dẫn đến hiểu biết.

PV: Cùng với loại hình mỹ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc, mỹ thuật đương đại cũng đang ngày một phát triển với các loại hình như video art, body art và cả nghệ thuật sắp đặt. Là một nghệ sĩ gạo cội của mỹ thuật Việt Nam nhưng lại “dấn thân” với nghệ thuật mới, bà có thấy khó khăn khi tìm công chúng cho tác phẩm của mình?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Sự gặp gỡ của tôi với nghệ thuật sắp đặt (installation) trong nghệ thuật đương đại xảy ra thật tình cờ, nó tới sau những thể nghiệm hướng về truyền thống. Khi thực hành phương thức sáng tạo của người xưa, tôi gặp sự tương đồng và trùng lặp đến kỳ lạ giữa tư duy sáng tạo của quá khứ với đương đại không chỉ ở nguyên lý mà ở cả cách tiếp cận, biểu đạt và thụ cảm nghệ thuật. Tôi cũng bắt gặp nhiều giá trị ngang tầm thời đại ở nghệ thuật bản địa Việt Nam. Nó giải thích cho sự say mê, hào hứng của công chúng khi thực hành nghệ thuật.

Sắp đặt thang “Cõi nhân sinh” của họa sĩ Đặng Thị Khuê trong Triển lãm “Nhận diện và kết nối” năm 2014

PV: Bà từng nói, nghệ thuật vốn hấp dẫn và quyến rũ nhưng dấn thân với nó thật không dễ dàng gì. Bà có thể lý giải thêm về điều này, và với công chúng, điều gì khiến bà còn trăn trở?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Mọi sáng tạo đều khó, bởi phải tạo ra những giá trị mới và khác. Nghệ thuật tạo hình có phạm vi rộng lớn bao gồm nhiều ngành nghề chuyên biệt. Nó mang giá trị tinh thần nhưng cũng là vật chất cụ thể, nếu cần những điều kiện đi cùng với ý tưởng (vật liệu, kỹ năng, không gian sáng tạo và đặt để tác phẩm).

Nghệ thuật sắp đặt gần với điện ảnh ở tính tổng hợp, gần với kiến trúc ở tổ chức không gian, quy mô và tốn kém. Là thể loại nghệ thuật “phi lợi nhuận” và mang nhiều ý nghĩa xã hội, nên ở nhiều quốc gia thường được nhà nước và các tổ chức tư nhân xã hội bảo trợ. Ở Việt Nam, cơ chế này chưa hình thành nên nghệ sĩ phải tự túc tất cả. Vì thế thực hành nghệ thuật là một đòi hỏi khắt khe với người sáng tạo. Tuy nhiên, nó như sự sàng lọc tự nhiên để còn lại những ai hội đủ năng lực, dám “dấn thân”, “mạo hiểm” thì thử thách ấy lại chính là điều hấp dẫn.

Với riêng công chúng Việt Nam, tôi cảm nhận họ đón nhận “cái mới”, “cái khác” ấy không mấy khó khăn, có điều chỉ cần thời gian mà thôi. Nếu năm 2003, ở trưng bày đầu tiên tại Việt Nam của tôi tại Bảo tàng Dân tộc học, công chúng còn dè dặt khi được mời tham gia thì tới năm 2013, khi sắp đặt của tôi trưng bày tại Trường Đại học Mỹ thuật, họ đã hào hứng trải nghiệm. Còn nay, đi tới đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp sắp đặt ở những sự kiện văn hóa…

PV: Có một thực tế hiện nay là rất nhiều công chúng vẫn thờ ơ với nghệ thuật, thậm chí không hiểu được tác phẩm. Theo bà, đây có phải là lỗi của nghệ sĩ, và làm thế nào để nghệ thuật đến gần hơn với công chúng?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Sự dần vắng bóng công chúng ở các sự kiện nghệ thuật là điều đáng phải quan tâm, nhưng hãy đặt hiện tượng ấy trong bối cảnh của thay đổi nghệ thuật và thời đại. Có lẽ chưa khi nào cuộc sống mưu sinh lại tất bật như bây giờ. Con người phải đối mặt với mọi lo toan, đến không còn thời gian cho sự riêng tư của mình nữa. Sự hụt hẫng tri thức thẩm mỹ chưa kịp lấp đầy thì sự kết nối thế giới lại mở ra những chân trời của nhận thức mới, khiến con người bị bão hòa trong cái “biển tri thức”. Bởi vậy, sự phân tâm, ngỡ ngàng là điều dễ hiểu ở phía công chúng.

Là người trong cuộc, tôi cũng chứng kiến những nỗ lực phi thường ở các đồng nghiệp. Để nghệ thuật Việt Nam là một thành tố không thể thiếu trong nghệ thuật khu vực, trở thành đối tượng của nghiên cứu và phê bình nghệ thuật thế giới, có nhiều tác giả thành danh… phải nói đến nỗ lực tự thân của các nghệ sĩ. Họ đã tạo nên cuộc cách mạng ngôn ngữ cách đây hơn 3 thập kỷ để giờ đây là thời kỳ phát triển toàn diện và mở rộng với nhiều phong cách và xu hướng hơn. Sự hướng tới các dòng chảy đương đại cũng làm cho nghệ thuật Việt Nam dần mang tính quốc tế hơn, nhưng nổi bật vẫn là ý thức về sự độc đáo cá nhân, sự trở về với nội tâm và cội nguồn văn hóa.

Giờ đây, nghệ thuật đương đại Việt Nam phát triển trong sự sàng lọc khắt khe hơn của quy luật “sáng tạo và tự đào thải”. Tuy nhiên, để nghệ thuật Việt Nam đạt tầm vóc tương ứng với tiềm năng vốn có của nó và để nghệ thuật có mặt trong đời sống, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía cả nghệ sĩ, công chúng, xã hội và các cơ quan quản lý văn hóa. Thưởng thức nghệ thuật phải đi liền với việc truyền bá tri thức, sự hình thành thị trường nghệ thuật trong nước và các cơ sở vật chất thiết yếu cho sự công bố, xã hội hóa nghệ thuật.

PV: Trân trọng cảm ơn họa sĩ!

Họa sĩ Đặng Thị Khuê sinh năm 1946, là họa sĩ tên tuổi của thời kỳ Đổi mới và cả về sau. Nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê từng giữ vai trò Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa VII, tham gia, cố vấn cho nhiều hoạt động nghệ thuật-văn hóa với vai trò là một chuyên gia, curator nghệ thuật. Bà cũng đoạt nhiều giải thưởng về mỹ thuật./.

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 46
  • Trong tuần: 949
  • Tất cả: 1686621