Trách nhiệm cộng đồng trong phát huy giá trị văn hóa.
(Theo NDCT,17/01/2020) - Hai thập niên trở lại đây, trên nhiều phương diện và loại hình biểu hiện, văn hóa Việt Nam có những bước phát triển. Đời sống văn hóa của nhân dân phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực, văn học - nghệ thuật có nhiều tác phẩm tốt…

   Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra mạnh mẽ tiếp tục đặt ra thách thức trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa.

   Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của các dân tộc, các nền văn minh thế giới. Trên cơ sở lưu giữ, tiếp biến và sáng tạo, Việt Nam hình thành nền văn hóa vừa thống nhất vừa phong phú, đa dạng. Nói đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam, các nhà nghiên cứu chung quan điểm chính là nói đến hệ giá trị con người Việt Nam với các yếu tố như: tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc;  tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng;  lòng nhân ái;  trọng nghĩa tình, đạo lý;  đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động;  sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…

   Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đòi hỏi mở cửa để tiếp thu giá trị tiến bộ của nhân loại, tuy nhiên, nguy cơ mai một một số giá trị trong hệ giá trị văn hoá Việt Nam có thể xảy ra. Trong quá trình hội nhập, không ít sản phẩm văn hóa có nội dung không phù hợp thâm nhập nước ta. Xã hội phát triển nhưng lối sống gắn bó theo kiểu “tình làng nghĩa xóm” mờ nhạt đi. Những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường khiến một bộ phận trong nhân dân có xu hướng coi trọng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, hình thành lối sống hưởng thụ, thực dụng, lãng phí, làm đảo lộn nhiều giá trị xã hội… Điều này càng cho thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là yêu cầu vô cùng cấp thiết.

   Đã có nhiều giải pháp được đề cập, trong đó việc thúc đẩy vai trò của cộng đồng gần đây được đặc biệt quan tâm. Cộng đồng chính là chủ thể xây dựng, sáng tạo, sở hữu các hệ giá trị hình thành nên bản sắc văn hóa. Vì vậy, cộng đồng và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa có mối quan hệ tương hỗ trong quá trình phát triển của xã hội mà ở đó, văn hóa được xem là nền tảng.

   Giá trị văn hóa phát triển từ đời này sang đời khác phụ thuộc nhiều vào chủ thể sáng tạo đồng thời là chủ thể sở hữu, chính là cộng đồng. Văn hóa tồn tại trong không gian sinh hoạt, lao động của cộng đồng nên chính cộng đồng quyết định lựa chọn giá trị nào cần được bảo tồn, giá trị nào cần được tiếp biến, kế thừa. Chỉ có trong không gian cộng đồng, các giá trị văn hóa mới có điều kiện bảo tồn, phát triển và hoàn thiện.

   Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách nhằm huy động cộng đồng tham gia công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, các giá trị văn hóa nói chung. Có thể thấy rõ qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

   Cùng với đó, nhiều hoạt động, dự án liên quan bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa đã và đang được triển khai, huy động được tiềm năng trí tuệ, nguồn nhân lực, vật lực của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, người dân đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và lợi ích của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

   Những thành quả đạt được cho thấy có dựa vào sức mạnh cộng đồng trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận, tự do, bình đẳng, cùng có lợi, thì công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa mới có thể đạt được hiệu quả cao. Có như vậy, văn hóa mới trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước ./.

 

Kết quả tìm kiếm
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 31
  • Trong tuần: 874
  • Tất cả: 1686652